leftcenterrightdel
 

Giảm số ngày làm việc xuống còn 4 ngày/tuần giúp nhiều nhân viên thoát khỏi nỗi sợ ngày chủ nhật, Insider đưa tin.

Qwick, một công ty tại Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực khách sạn - lưu trú, áp dụng thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày kể từ tháng 4 năm ngoái.

Đối với Qwick, quyết định chuyển đổi gần như là một điều tất yếu xuất phát từ giai đoạn kiệt sức lan rộng trong nhân viên. Ban lãnh đạo nhận thấy tình trạng uể oải, không thiết tha công việc ở hầu hết 160 nhân viên toàn thời gian của họ.

leftcenterrightdel
Như nhiều bên khác từng thử nghiệm, đội ngũ nhân sự của Qwick thấy hạnh phúc hơn khi có thêm một ngày nghỉ trong tuần. Ảnh:Qwick.  

Qwick không nằm trong danh sách những công ty tham gia nghiên cứu thử nghiệm do Tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global tổ chức vào cuối năm ngoái trên diện rộng ở Vương quốc Anh.

Do đó, kết quả công ty này thu về được coi là một bằng chứng khác bổ sung vào chuỗi nghiên cứu, thử nghiệm và thảo luận về tuần làm việc 4 ngày.

Hội chứng sợ ngày chủ nhật

Sau khi số giờ làm việc trong tuần xuống còn 32 giờ, nhiều nhân viên có chung nhận định rằng họ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng đi làm vào thứ hai đầu tuần hơn.

Trong cuộc khảo sát mà đơn vị này thực hiện, 32% bày tỏ nỗi chán nản cuối tuần của họ vơi bớt, những người báo cáo thường xuyên cảm thấy căng thẳng trong giờ làm việc đã giảm 12%.

Nỗi sợ hãi vào ngày chủ nhật hay nỗi buồn trong ngày thứ hai là một hiện tượng tâm lý phổ biến. Nó thường là cảm giác bất an, lo lắng việc phải đi làm vào ngày hôm sau và đặc biệt rõ ở những người thường kiểm tra email cuối tuần, có những nhiệm vụ còn từ tuần trước và kỳ vọng quá cao về bản thân.

Theo Tiến sĩ Susanne Cooperman, một nhà tâm lý học thần kinh và phân tâm học, Sunday Scaries, hay hội chứng sợ ngày chủ nhật, xuất phát từ việc bộ não dự đoán về những sự kiện sắp xảy ra. Nói cách khác, đây là một dạng của chứng lo âu chờ đợi (anticipatory anxiety), nghĩa là ta cảm nhận được nỗi sợ hãi ngay cả khi chưa đối mặt với vấn đề.

leftcenterrightdel
 Cảm giác lo lắng, bồn chồn từ trưa đến tối chủ nhật khi nghĩ về một tuần dài sắp đến là điều dễ gặp ở dân công sở. Ảnh:Verywell mind.

Khảo sát của Cơ quan Cải thiện Sức khỏe và Chênh lệch (OHID) cho thấy nỗi sợ ngày chủ nhật thực sự tồn tại và ảnh hưởng đến rất nhiều người.

“Điều đó như thể tâm trí của bạn bắt đầu chuyển từ trạng thái thư giãn hoặc hưởng thụ vào cuối tuần sang lo lắng về mọi thứ bạn phải làm trong tuần làm việc tới”, giáo sư Ilke Inceoglu của Đại học Exeter (Anh), phân tích.

Nhìn chung, đội ngũ nhân sự khẳng định mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân được cải thiện.

"Kết quả này phản ánh một bước ngoặt lớn cho công ty", Giám đốc Marketing Retta Kekic nói với Insider.

Giúp vực dậy công ty

Duy trì làm việc 32 giờ/tuần đã kéo dài hơn một năm ở Qwick, dưới sự hưởng ứng của phần lớn công ty.

Một lý do đáng kể là mức lương được giữ nguyên như khi làm 5 ngày, so với một số công ty khác chỉ trả 80% mức lương cho tuần làm việc 4 ngày, tức giảm một ngày công.

leftcenterrightdel
 Nhiều chuyên gia nghiên cứu về bộ não và hành vi của con người ủng hộ ý tưởng rằng thời gian làm việc ít hơn tốt cho người lao động, từ đó công ty cũng được hưởng lợi theo. Ảnh:Hustle. 

Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào năm 2020, Qwick chứng kiến doanh thu giảm gần 80% chỉ sau một đêm. Điều này khiến công ty phải sa thải khoảng 65% số lượng nhân sự.

Sau đó, vào tháng 2/2021, khi đội ngũ công ty chỉ còn sót lại ít ỏi, doanh thu đột ngột khởi sắc.

"Đột nhiên, chúng tôi kiếm được gấp 3 lần doanh thu từng đạt được trước đây với một phần ba nhóm mà chúng tôi có ban đầu. Số tiền này đến từ những thị trường cụ thể khi cuộc sống dần bình thường trở lại.

Câu chuyện kéo theo là 'một cuộc chạy marathon nước rút' diễn ra để không tuột mất cơ hội này. Nhân viên phải làm việc chăm chỉ, không ngừng nghỉ hơn bao giờ hết", Kekic kể lại.

Thử nghiệm mới được cân nhắc vừa để giảm bớt tình trạng kiệt sức, vừa nuôi hy vọng duy trì sự phát triển của công ty lâu dài. Điều này cũng được nhắc đến trong các bản tin tuyển dụng người mới. Nhờ đó, Kekic cho biết công ty số lượng gửi đơn xin việc tăng 230%.

Theo kế hoạch ban đầu, Qwick duy trì làm 4 ngày/tuần đến hết tháng 6 năm nay. Ban lãnh đạo hiện vẫn chưa quyết định kéo dài chính sách này không, song Kekic cho hay sau hơn một năm thử nghiệm và nhận thấy nhiều lợi ích, chuyện tiếp tục theo "con đường mới" là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

"Thật khó để công ty quay trở lại cách làm việc cũ như trước đây. Chúng tôi đã mở mang tầm mắt và nhận ra có nhiều cách khác để đạt được những mục tiêu kinh doanh mà không cần đến 5 ngày làm việc truyền thống".

Theo zingnews