Ngày 6/1, South China Morning Post đưa tin công ty Khoa học và Công nghệ Điện Anpu ở thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) bắt đầu áp dụng mức phạt 3 USD đối với nhân viên sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn một lần/ngày. Ngoài ra, người lao động phải xin phép cấp trên trước khi đi toilet.

Công ty Anpu quyết định hạn chế hành vi “trốn làm” bằng quy định về thời gian đi toilet. Ảnh: Getty.

Trả lời Đài truyền hình Quảng Đông, ông Cao - quản lý công ty - đính chính rằng mức phạt sẽ được khấu trừ vào tiền thưởng hàng tháng, thay vì trả theo từng lần vi phạm. Người này cho biết ban quản lý đưa ra biện pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng nhân viên trốn làm vào nhà vệ sinh để chợp mắt, hút thuốc.

“Chúng tôi hết cách rồi. Họ quá lười biếng, chểnh mảng công việc. Ban quản lý đã nhiều lần mời họ lên nhắc nhở, nhưng mọi thứ chẳng hề thay đổi”, quản lý Cao nói.

 

 

Ông nói thêm, công ty Anpu không muốn sa thải người lao động vì tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực. Vì vậy, họ quyết định hạn chế hành vi “trốn làm” bằng quy định về thời gian đi toilet.


Theo South China Morning Post, trong 2 ngày 20-21/12, 7 nhân viên đã bị trừ thưởng vì vi phạm quy định “thời gian đi vệ sinh”. Mức phạt này đang dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội xứ tỷ dân.

Gần đây, Cục An ninh Xã hội và Nhân sự thành phố Đông Hoản đã tiếp nhận và tiến hành điều tra vụ việc. Trong cuộc phỏng vấn với The Paper, cơ quan chức năng khẳng định quy định trên là bất hợp pháp, yêu cầu phía công ty chấn chỉnh và hoàn trả tiền phạt của nhân viên.

Đây không phải lần đầu tiên quy định thời gian đi toilet được áp dụng trong các cơ quan, công ty ở Trung Quốc. Tháng 10/2020, công ty Internet Kuaishou cũng chịu chỉ trích khi lắp đặt đồng hồ đếm giờ trong nhà vệ sinh để quản lý thời gian sử dụng toilet của người lao động.

 
 
                                                                        Đồng hồ bấm giờ trong toilet dành cho nhân viên

Phía công ty giải thích đây chỉ là một khảo sát nhỏ. "Hiện số lượng toilet ở công ty rất hạn chế, nhân viên phải xếp hàng dài để đi vệ sinh. Vì cấu trúc tòa nhà rất khó tăng số lượng nhà vệ sinh, chúng tôi đang xem xét bố trí toilet di động và việc lắp đặt đồng hồ chỉ để phục vụ một khảo sát nhỏ", người đại diện cho biết.

Hồi tháng 9, một nữ nhân viên Nhật Bản đã khởi kiện công ty TV Tokyo Seisaku vì hành vi quấy rối tại nơi làm việc dưới hình thức giới hạn số lần đi vệ sinh và các quy định không chính đáng khác từ cấp trên.

Năm 2014, công nhân của WaterSaver Faucet ở Chicago đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia khi công ty kỷ luật 19 công nhân vì "sử dụng nhà vệ sinh quá nhiều", cụ thể là 6 phút/ngày. WaterSaver Faucet còn đưa ra quy định thưởng tiền 20 USD nếu nhân viên không sử dụng nhà vệ sinh trong một tháng.