Một em bé 8 tuổi ở Brazil được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech - Ảnh: REUTERS
"Chưa có bằng chứng nào vào thời điểm hiện tại cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên cần những liều vắc xin COVID-19 tăng cường. Không có bằng chứng nào cả", bà Swaminathan nhấn mạnh trong cuộc họp báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối ngày 18-1 (giờ Việt Nam).
Tuần trước, Đức trở thành quốc gia mới nhất khuyến nghị tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần được đưa đi tiêm nhắc lại. Israel, Mỹ và Hungary cũng có động thái tương tự với nhóm từ 12 đến 15 tuổi, theo Hãng tin Reuters.
Tiêm mũi 3 (tiêm tăng cường/nhắc lại) cho trẻ dưới 17 tuổi được dự báo sẽ tiếp tục gây tranh cãi như việc tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên.
Trong cuộc họp báo ngày 18-1, bà Swaminathan cho biết nhóm chuyên gia hàng đầu của WHO sẽ họp vào cuối tuần này để đưa ra những lời khuyên cụ thể cho các nước.
"Mục đích của tiêm tăng cường là để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất. Đó là những người cao tuổi của chúng ta, những người bị suy giảm miễn dịch với các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và nhân viên y tế", chuyên gia WHO lập luận về sự chưa cần thiết phải tiêm mũi 3 cho trẻ em khỏe mạnh.
Ông Michael Ryan, quan chức phụ trách các tình trạng khẩn cấp của WHO, kêu gọi chia sẻ công bằng vắc xin để chấm dứt cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra - Ảnh: REUTERS
WHO từ lâu đã phản đối các chiến dịch tiêm tăng cường đại trà cho dân số, viện dẫn việc nhiều nước vẫn chưa có đủ vắc xin tiêm mũi 1 cho người dân.
Trong một hội nghị trực tuyến ngày 18-1, ông Michael Ryan - người đứng đầu đơn vị phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO - tiếp tục cảnh báo tình trạng bất bình đẳng về vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 sẽ khiến cuộc khủng hoảng y tế kéo dài.
Theo ông Ryan, virus sẽ không biến mất mà trở thành một phần của hệ sinh thái. Điều mà WHO và các nước khác mong muốn không phải là xóa sổ virus mà là chấm dứt tình trạng khủng hoảng khẩn cấp mà đại dịch tạo ra.
"Các ca tử vong, những người nhập viện và những gián đoạn của hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị của chúng ta đã gây ra thảm kịch chứ không phải virus", quan chức WHO nêu quan điểm và kêu gọi cần phủ vắc xin để hạn chế tối đa các ca tử vong do COVID-19.
New York tuyên bố chiến thắng Omicron
Thị trưởng Eric Adams của thành phố New York (Mỹ) tuyên bố chính quyền của ông và người dân đang giành thắng lợi trước biến thể Omicron khi số ca nhiễm đang trên đà đi xuống.
"Chúng ta đang chiến thắng và sẽ giành chiến thắng bởi vì chúng ta kiên cường", ông Adams nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại tòa thị chính ngày 18-1.
Vị thị trưởng thuộc Đảng Dân chủ chỉ ra số ca nhiễm trung bình hằng ngày ở New York đã giảm từ mức hơn 40.000 ca/ngày xuống còn dưới 20.000 ca/ngày. Số ca nhập viện mỗi ngày cũng giảm từ mức trung bình hơn 6.500 xuống còn 5.800 ca vào ngày 16-1.
Bất chấp sự lạc quan của ông Adams, nhiều chuyên gia cảnh báo New York vẫn chưa thể thoát khỏi làn sóng Omicron trừ khi cả nước Mỹ cùng làm được điều đó.
Các tin khác liên quan COVID-19:
Hồng y Pietro Parolin, một trong hai quan chức cấp cao của Vatican, vừa có kết quả dương tính COVID-19 - Ảnh: NYT
* Ngày 18-1, Tòa thánh Vatican xác nhận hai chức sắc cấp cao giữ vai trò phụ tá cho Giáo hoàng Francis đã nhiễm COVID-19.
Một trong hai người này có triệu chứng nhẹ và đang tự cách ly tại nơi ở. Vatican không phản hồi lập tức khi được báo New York Times hỏi liệu hai người trên có gặp Giáo hoàng gần đây hay không.
* Bộ Y tế Israel tuyên bố nước này sẽ tiếp tục mũi tiêm vắc xin thứ tư bất chấp những phát hiện sơ bộ nói rằng nó không đủ mạnh để ngăn ngừa lây nhiễm.
* Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo người dân không được hôn vật nuôi và ra lệnh tiêu hủy hàng loạt hamster trước sự phẫn nộ của những người yêu động vật. Nguyên nhân là do 11 con hamster có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Theo tuoitre.vn