|
|
Nhiều nhân viên không dám nghỉ phép bởi lo lắng phải "gồng gánh" khối công việc lớn trước và sau kỳ nghỉ. Ảnh: Pexel |
Elle Bell (26 tuổi), một nhà tư vấn PR ở Leeds (Anh), cần được nghỉ ngơi. Bell gặp căng thẳng và áp lực tới mức bác sĩ khuyên rằng cô cần phải tránh xa công việc vài tuần lễ.
Do đó, Bell muốn sử dụng 14 ngày nghỉ phép theo hợp đồng và dự định xin nghỉ thêm 2 tuần nữa theo khuyến nghị y tế. Thế nhưng, sếp yêu cầu cô chỉ được nghỉ 5 ngày.
Bởi bị ngợp với khối lượng công việc lớn, Bell chấp nhận yêu cầu của cấp trên và không nghỉ ngơi đầy đủ như bác sĩ đã dặn.
Quãng thời gian trước kỳ nghỉ ngắn ngủi còn kinh khủng hơn. Bell phải dồn sức xử lý công việc ổn thỏa để mọi thứ diễn ra bình thường trong thời gian nghỉ phép. Cũng bởi vậy, trong 5 ngày nghỉ, cô không cảm thấy thư thái hay hồi phục chút nào.
“Tôi cảm thấy mình đang trong trạng thái lo âu và cảnh giác khá cao. Tôi không ngủ, cũng không ăn được. Tôi sụt nhiều cân”, cô kể với Business Insider.
|
|
Ảnh: Anna Tarazevich/Pexels |
Bell không phải trường hợp hiếm hoi. Đối với nhiều người, việc chuẩn bị cho một kỳ nghỉ phép lại có thể là quãng thời gian căng thẳng nhất trong công việc. Họ có những dự án phải hoàn thành, hối thúc đồng nghiệp đúng tiến độ, hay trấn an khách hàng.
Và ngay cả khi họ đăng xuất khỏi các ứng dụng trao đổi công việc, nỗi ám ảnh về một hòm email ngập ngụa và danh sách việc cần làm dài dằng dặc có thể khiến thời gian nghỉ ngơi bớt thư thái hơn.
Khi tình trạng kiệt sức của nhân viên được quan tâm hơn trong thời kỳ đại dịch, có những sự thay đổi nhất định trong văn hóa làm việc tại các công ty, thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên.
Dù tư tưởng đằng sau sự thay đổi này là đáng khen ngợi, trong nhiều trường hợp, các chính sách nghỉ phép trông có vẻ thân thiện với người lao động lại không thật sự giúp họ làm việc dễ dàng hơn.
Nếu nhân viên phải bù đắp công việc trước và sau kỳ nghỉ phép, hoặc thậm chí nghỉ ốm, thì liệu những chính sách “nghỉ ngơi” này có thực sự hữu ích?
Làm việc tới kiệt sức trở thành chuẩn mực
Nguồn gốc nền văn hóa làm việc quá sức và kiệt sức của con người kéo dài hàng thập kỷ.
|
|
Sự phát triển của công nghệ càng khiến nhân viên phải làm việc mọi nơi, mọi lúc. Ảnh: Oleksandr Pidvalnyi/Pexels |
Khi lực lượng lao động chuyển dần từ công nhân nhà máy sang nhân viên văn phòng, sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc mới dần được cải thiện trong thế kỷ 20.
Thế nhưng, tới thập niên 1980, điều gì đó đã làm đảo lộn giá trị này khi “văn hóa hối hả” - coi trọng việc ở lại văn phòng muộn và làm việc chăm chỉ hơn - chiếm lĩnh chốn công sở.
Và sự xâm lấn của công việc vào thời gian cá nhân của nhân viên trở nên tồi tệ hơn khi công nghệ được cải thiện. Internet và các thiết bị đang tạo thêm áp lực cho nhân viên tiếp tục làm việc khi ở nhà hoặc đang di chuyển.
Thuật ngữ presenteeism, dùng để chỉ hành động làm việc lâu hơn bình thường hoặc đi làm khi đang bị ốm, cũng trở thành chuẩn mực.
Kết quả là một lực lượng lao động cảm thấy kiệt sức, không thể giải phóng bản thân khỏi bàn làm việc.
|
|
Văn hóa làm việc hiện đại "yêu cầu" nhân viên hiện diện mọi lúc, ngay cả khi nghỉ ốm. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels |
Một nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) cho thấy chỉ 41% nhân viên nói rằng công ty họ khuyến khích dành thời gian nghỉ ngơi, và 32% nhân viên cho biết khối lượng công việc cao khiến họ khó có thời gian nghỉ ngơi.
Gần 1/5 số người được hỏi cho biết họ tránh nghỉ phép vì sợ bị coi là không đủ cam kết vối công việc.
Vấn đề ở phía công ty
Nhiều công ty không điều chỉnh kỳ vọng công việc dựa trên chính sách nghỉ ngơi mới, mà chỉ đơn giản vẫn nhồi nhét lượng công việc lớn cho người lao động.
Nếu chẳng may bị ốm, vật lộn với triệu chứng kinh nguyệt hoặc kiệt sức và cần phải nghỉ ngơi, bạn sẽ phải làm bù giờ và điều đó lại càng gây thêm căng thẳng. Đối với những người có con cái hoặc trách nhiệm khác khiến họ không thể làm ngoài giờ hành chính, việc xin nghỉ phép gần như không thể.
Abigail Marks, giáo sư tại Trường Kinh doanh ĐH Newcastle, người nghiên cứu về tương lai của công việc, giải thích sự căng thẳng này khi bàn đến tuần làm việc 4 ngày.
|
|
Các công ty, doanh nghiệp phải đồng thời giảm khối lượng của nhân viên khi tăng số ngày nghỉ. Ảnh: Antoni Shkraba Production/Pexels |
Tương tự ngày nghỉ kinh nguyệt, làm việc 4 ngày/tuần là chính sách mới mà một số công ty đưa ra. Tuy nhiên, họ vẫn mong đợi nhân viên hoàn thành lượng công việc tương đương thời gian trước.
“Nhiều nhà tuyển dụng không muốn giảm khối lượng công việc một cách đột ngột. Vì vậy, nhân viên có thể phải nhồi nhét công việc của 5 ngày hành chính trong vòng 4 ngày”, ông nói.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khối lượng công việc sau kỳ nghỉ sẽ lại nhanh chóng khiến nhân viên căng thẳng, khiến những lợi ích từ việc nghỉ phép sớm tiêu tan. Điều này được phản ánh qua khảo sát năm 2018 của APA, khi 2/3 nhân viên được hỏi đã đồng tình.
Cho người lao động nghỉ ngơi đòi hỏi công ty phải điều chỉnh khối lượng công việc. Theo Business Insider, sẽ bất hợp lý nếu cho nhân viên nghỉ phép 30 ngày/năm mà không giảm khối lượng công việc tương đương 30 ngày làm việc của họ.
Những vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi người lao động phải nghỉ đột xuất do ốm hoặc có tang.
Nikki Paraskeva (26 tuổi) đang làm việc cho nhà bán lẻ quần áo vào năm 2018 khi một người bạn thân qua đời. Cô xin nghỉ phép để dự đám tang của bạn ở ngoại thành. Tuy nhiên, do chính sách công ty chỉ áp dụng cho người thân trong gia đình, Paraskeva chỉ được nghỉ một ngày.
|
|
Khối lượng công việc cao khiến nhiều nhân viên không dám nghỉ ngơi. Ảnh: Fauxels/Pexels |
Khi trở lại, cô cảm thấy không thể tiếp tục làm việc ngay. Trong một email gửi đến công ty, cô cho biết mình “bị kích động mạnh mỗi khi tỉnh dậy” và không trong trạng thái “có thể làm việc bởi đang rất đau buồn”.
Quản lý cho phép Paraskeva nghỉ thêm ngày nữa, nhưng với điều kiện cô phải tìm được người thay thế ca làm của mình. Tuy nhiên, do không tìm được người, cuối cùng Paraskeva bị kỷ luật.
“Quản lý nói rằng tôi bị kỷ luật tội ‘không đi làm’ mà không báo trước cho cô ấy. Trong khi đó, tôi đã gọi cho quản lý 6 tiếng trước khi vào ca làm. Cô cũng nói rằng tôi không còn quyền được nghỉ phép nữa”, Paraskeva kể lại.
Sau sự việc lần đó, cô đã nghỉ làm. Hiện Paraskeva là trợ lý quản lý một quán rượu ở London (Anh).
Khi công ty không giải quyết văn hóa nghỉ ngơi của họ, nhân viên sẽ thường bị trừng phạt vì cố gắng cân bằng cuộc sống cá nhân của họ. Điều này dẫn đến việc người lao động giấu đi những khó khăn, vấn đề của mình.
“Nếu công ty có chính sách nghỉ ngơi linh hoạt, đề cao sức khỏe tâm thần nhưng lại không phải là nơi để bạn cảm thấy an toàn để nói về những khó khăn sức khỏe, thì những chính sách đó là thừa thãi”, Alison Unsted, CEO của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thành phố của Vương quốc Anh, cho biết.
Theo Zingnews