Sáng 1/12, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo trực tiếp - trực tuyến toàn quốc để triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: những năm qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021.

Theo đó, mục tiêu chính của Chương trình là giảm tỉ lệ lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức cần chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch, các giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19…

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng lao động trẻ em trái quy định - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu. Ảnh Molisa

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc phát hiện ra các trường hợp là lao động trẻ em thường gặp không ít khó khăn. Trẻ em thường làm việc ở trong lĩnh vực nông nghiệp và nơi khó can thiệp, kiểm tra, đặc biệt là trong phạm vi hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức...

Bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Lao động sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em. Trường hợp có lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng các mặt hàng như dệt may, thủy sản, nông sản thì nguy cơ bị phạt rất cao do Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại quốc tế".

 Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, lao động trẻ em từ 5 - 17 là 1.031.944 em (chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này), thấp hơn so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu ở năm 2016.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức liên quan đến Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em. Trong đó, tình trạng suy giảm kinh tế, tình trạng thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình cũng khiến tình trạng lao động trẻ em trái quy định có chiều hướng gia tăng.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết: Lao động trẻ em có thể phòng ngừa được thông qua các cách tiếp cận tích hợp. Cụ thể như việc đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, chất lượng giáo dục và huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, cần chú trọng thúc đẩy các quy định về điều kiện lao động đối với trẻ em đủ tuổi lao động. Thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ của công chúng trong việc phản đối lao động trẻ em; đưa các mối quan tâm về lao động trẻ em vào các kế hoạch giáo dục; và thúc đẩy khu vực tư nhân và tổ chức xã hội cùng hành động để xóa bỏ lao động trẻ em…

 Tổ chức ILO ước tính, năm 2020 có 160 triệu trẻ em phải tham gia lao động, trong đó có 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổ chức này cảnh báo, số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 8,9 triệu vào năm 2022.

PV