Vào khoảng thời gian này 2 năm trước, xã hội thượng lưu Ấn Độ đang chuẩn bị tham dự lễ cưới của Isha Ambani - ái nữ của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani - với Anand Piramal - người sáng lập Piramal Realty, một trong những công ty bất động sản lớn nhất Ấn Độ.
Đám cưới này quy tụ những nhân vật quyền lực, ngôi sao quốc tế đình đám, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nữ ca sĩ Beyonce, Hoa hậu Thế giới 2000 Priyanka Chopra và chồng Nick Jonas…
|
Một trong những chiếc váy cưới của Isha Ambani. Ảnh:Vouge. |
Theo Bloomberg, đây được xem như một "hôn lễ hoàng gia" đúng nghĩa với kinh phí lên đến 100 triệu USD - gấp 3 lần chi phí đám cưới của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton.
Cặp Ambani - Piramal trải qua ít nhất 5 sự kiện ăn mừng khác nhau để trở thành vợ chồng. Trước hôn lễ chính thức kéo dài 1 tuần tại Mumbai, đôi uyên ương đã tổ chức lễ đính hôn ở miền Bắc Italy và bữa tiệc ăn mừng xa hoa ở trung tâm thành phố Udaipur (Ấn Độ).
Loạt trang phục của cô cho mỗi ngày tiệc được thực hiện bởi những nhà thiết kế hàng đầu Ấn Độ như Sabyasachi, Manish Malhotra và Abu Jani Sandeep Khosla. Riêng chiếc váy Ambani mặc trong buổi chiêu đãi chính được đặt may từ hãng thời trang danh tiếng Valentino.
Từ lâu, “đám cưới khổng lồ” trở thành một phần của văn hóa truyền thống Ấn Độ. Chúng nổi tiếng kéo dài trong nhiều ngày và được chuẩn bị rất kỳ công, từ địa điểm tổ chức, đồ ăn đến trang phục. Báo cáo năm 2017 của tổ chức kế toán KPMG ước tính rằng thị trường váy cưới ở quốc gia này trị giá hơn 50 tỷ USD.
|
Nam diễn viên Abhishek Bachchan cùng vợ Aishwarya Rai và con gái của họ tham dự đám cưới năm 2019 của Akash Ambani - con trai tỷ phú Ambani. Ảnh:Reuters. |
Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện, gây ảnh hưởng phần nào đến những đám cưới xa hoa, đặc biệt là ngành công nghiệp thời trang.
“Đối với hầu hết nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, trang phục cho các hôn lễ - bao gồm của cả cô dâu, chú rể và khách mời - chiếm hơn 70% thu nhập”, Sunil Sethi - Chủ tịch Hội đồng thiết kế thời trang Ấn Độ - cho biết.
"Siêu cá nhân hóa" đám cưới
Khi đám cưới “giảm kích cỡ”, sự chú ý đến từng chi tiết quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, các cô dâu muốn trang phục của mình phải thật đặc biệt, độc đáo và thể hiện cá tính riêng.
Từ lâu nữ doanh nhân Sanja Rishi được biết đến với phong cách thời trang tối giản, phù hợp với thế hệ Millennials. Trong hôn lễ hồi tháng 9, cô diện một bộ suit màu xanh da trời cổ điển của Gianfranco Ferré với mạng che mặt được thiết kế riêng bởi Karan Torani.
Mặc dù đám cưới được tổ chức tại nhà bố mẹ cô chỉ vỏn vẹn 11 khách mời, “váy cưới” của Rishi đã tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội.
|
Bộ suit màu xanh cổ điển của nữ doanh nhân Rishi gây sốt mạng xã hội. Ảnh:@sanjrishi. |
“Ngày nay, các nhà thiết kế nhắm đến các mẫu trang phục có tính linh hoạt hơn, có thể tái sử dụng nhiều dịp ngoài đám cưới trước sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng”, Parthip Thyagarajan - CEO kiêm người đồng sáng lập cổng thông tin đám cưới trực tuyến đầu tiên ở Ấn Độ Weddingsutra.com - nói.
Thị trường “đám cưới khổng lồ” tại Ấn Độ cũng thu hút không ít thương hiệu thời trang cao cấp quốc tế. Christian Louboutin có riêng một cửa hàng chuyên đồ cưới tại Mumbai và thủ đô Delhi - nơi các cô dâu có thể đặt làm riêng những đôi giày độc nhất vô nhị.
“Vì hôn lễ giờ chỉ còn mỗi phần chính, các cô dâu tập trung nhiều hơn vào một bộ trang phục mà thôi, thay vì nhiều bộ khác nhau cho mỗi buổi tiệc như trước. Họ tìm kiếm một chiếc váy không chỉ giúp họ nổi bật mà còn lưu lại kỷ niệm tuyệt vời trong ngày trọng đại”, Anjali Gaekwar - đại diện của hãng Christian Louboutin tại Ấn Độ - cho biết.
Vandana Mohan - nhà sáng lập The Wedding Design Company và người đã tổ chức tiệc cưới “đắt nhất thế giới” của ái nữ nhà Ambani - nói rằng quần áo, đồ trang sức, người trang điểm, nhà tạo mẫu tóc và quà tặng luôn là những hạng mục được các cô dâu ưu tiên hàng đầu.
“Còn việc thi công, thiết kế, trang trí hay mời nghệ sĩ tới biểu diễn đều cắt giảm do số lượng người được xuất hiện trong đám cưới bị giới hạn. Trước đây, số lượng khách mời phải ít nhất trên 300, giờ chỉ còn khoảng 50-100 người”, cô nói.
Mohan gọi những hôn lễ này là “đám cưới vi mô” với phong cách “siêu cá nhân hóa” và tập trung vào thương hiệu Ấn Độ.
“Kể từ khi đại dịch hoành hành trên thế giới, câu thần chú ‘Người Ấn Độ dùng hàng Ấn Độ’ được quảng bá rầm rộ. Tức trong thời trang, người ta đang chú trọng hơn đến làng dệt may thủ công”, cô cho biết.
|
Hôn lễ của Hoa hậu Thế giới 2000 Priyanka Chopra và nam ca sĩ Nick Jonas là một trong những "đám cưới khổng lồ" trứ danh trong giới thượng lưu Ấn Độ. |
Nhà thiết kế Suneet Varma cho biết người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng chú ý hơn về mức chi tiêu của mình.
“Gần đây, tôi nhận được một cuộc gọi từ một khách hàng quen. Thông thường, người phụ nữ này bỏ ra hơn 5.000 USD cho mỗi buổi mua sắm. Nhưng lần này, bà đặt ra ngân sách rõ ràng trước khi chúng tôi chuẩn bị cho trang phục dự đám cưới con gái của bà”, anh kể.
Theo nhà thiết kế thời trang Tarun Tahiliani, các cô dâu đang tìm kiếm một sự thanh thoát, nhẹ nhàng trong đám cưới.
“Không còn nữa những đám cưới xa hoa với ánh đèn rực rỡ, các căn phòng rộng lớn với hàng nghìn khách mời. Đây là năm của những khoảnh khắc đặc biệt, đơn giản hơn, trở về cội nguồn để kỷ niệm và trân trọng những gì chúng ta đã có và hơn thế nữa”, anh đề cập trong bộ sưu tập trang phục cưới mới nhất của mình.
Tuy nhiên, làng thời trang Ấn Độ chưa hoàn toàn từ bỏ hy vọng về văn hóa “đám cưới khổng lồ”.
“Hiện tại, các hôn lễ được tổ chức với quy mô nhỏ gọn hơn vì sức khỏe cộng đồng và quy định hạn chế đi lại. Tuy nhiên, người Ấn Độ chúng tôi luôn có niềm khao khát lớn với sự sang trọng, tiệc tùng lớn và đời sống xa xỉ. Nó nằm trong máu của chúng tôi rồi và điều đó sẽ không thể thay đổi”, Sandeep Khosla - nhà thiết kế hàng đầu Ấn Độ, người chuẩn bị trang phục cho đám cưới của tiểu thư Isha Ambani - cho biết.
Theo Zing