Sau nhiều tháng sống ở Manila giữa dịch, Tanya Mariano (37 tuổi), nhà văn tự do kiêm chuyên gia truyền thông, chuyển tới làm việc gần bãi biển. Những người như cô đang tạo nên làn sóng di cư của dân du mục kỹ thuật số, giúp ngành du lịch Philippines trụ vững, theo AFP.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế di chuyển đã buộc nhiều nhà khai thác du lịch ở đảo quốc này phải đóng cửa. Hàng triệu việc làm cũng bị xóa sổ.

Nhiều người theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số ở Manila, vốn sợ lây nhiễm SARS-CoV-2 và chán ngấy với lệnh đóng cửa, đang chạy trốn đến các điểm du lịch hoang vắng để làm việc.

Điều này có ảnh hưởng tích cực tới các cộng đồng phụ thuộc vào du khách nước ngoài.

                              Tanya Mariano cùng bạn trai rời Manila, thuê căn hộ nhìn ra biển ở phía bắc thủ đô Philippines để thoát khỏi cuộc sống bí bách. Ảnh: AFP.


Ngành du lịch bị ảnh hưởng


Ngồi bên laptop trên ban công của căn hộ thuê, có view nhìn ra biển ở thị trấn San Juan, Mariano nói rằng việc chuyển đổi là “sự cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống”.

“Sống gần gũi đại dương, thiên nhiên rất dễ chịu. Khi họp online, tôi cố gắng không để đồng nghiệp nhìn thấy quang cảnh nơi đây kẻo họ sẽ ghen tỵ”, Mariano nói.

Không có số liệu chính thức về số lượng người làm việc từ xa ở các bãi biển và điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, họ chắc chắn là một phần nhỏ trong số hàng triệu khách du lịch thường đổ xô đến các bờ biển của Philippines.

Theo thống kê từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, tác động của các hạn chế di chuyển vì Covid-19 đối với lĩnh vực này là rất lớn: 37 tỷ USD sụt giảm khỏi nền kinh tế và 2 triệu việc làm biến mất.

                                                              Cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành du lịch của Philippines lao đao vì Covid-19. Ảnh: AP.


Bravo Beach Resort, điểm đến nổi tiếng nằm trên hòn đảo phía nam Siargao, cảm nhận nỗi đau một cách sâu sắc.

Dennis Serrano, Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng, cho biết: “Chúng tôi thường chật kín khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhưng hiện giờ, trung bình chỉ có khoảng 5-10 khách cùng một lúc, tức khoảng 10% công suất”.

Với doanh thu sụt giảm tới 200.000 peso/tháng (4.180 USD), ông Serrano hy vọng tình hình sẽ “trở lại bình thường” vào năm tới.

Theo Eugene Flores, quản lý khách sạn Boutique La Banca House, ngay cả hòn đảo nghỉ dưỡng Boracay cũng bị biến thành “thị trấn ma”. Hiện hầu hết phòng ở đây được dân du mục kỹ thuật số đến từ Manila thuê.

Các số liệu chính thức cho thấy lượng khách đến hòn đảo này đã giảm xuống còn dưới 335.000 vào năm ngoái, so với hơn 2 triệu vào năm 2019.

“Khi ra ngoài, bạn chỉ thấy một số ít cửa hàng, khách sạn còn mở cửa”, Flores nói.

Nhóm khách tiềm năng


Tốc độ triển khai tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp của Philippines có thể trì hoãn việc mở cửa trở lại hoàn toàn ngành du lịch nước này.

Hiện tại, dân du mục kỹ thuật số là “nhóm khách tiềm năng”, theo Bộ Du lịch Philippines. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn được khuyến khích phục vụ cho nhóm khách này bằng cách cung cấp Internet tốc độ cao và các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Những “công nhân di động”, chủ yếu sống ở Manila, đang giữ cho các doanh nghiệp như nhà hàng Papa Bear ở San Juan trụ vững.

“Khó khăn vẫn còn, nhưng ít nhất họ đang giúp chúng tôi tồn tại”, Denny Antonino, chủ nhà hàng, nói.

Những người du mục kỹ thuật số hiện chiếm 30-40% lượng khách hàng. Antonio hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục hậu đại dịch để loại bỏ những biến động theo mùa.

“Họ có thể làm công việc của mình và tận dụng thời gian nghỉ để lướt sóng, đi bộ đường dài, chơi ở thác và trải nghiệm nhiều dịch vụ khác”, Antonino nói.

                                             Làm việc từ bãi biển là dịch vụ du lịch dài hạn để thu hút du khách, dân du mục kỹ thuật số đến Philippines. Ảnh: Insider.


Chín tháng sau khi rời căn hộ tù túng ở Manila để đến San Juan, Carlo Almendral (43 tuổi), Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo, cho biết anh không có kế hoạch rời đi.

Almendral thường bắt đầu ngày mới của bằng chuyến đạp xe ngắm bình minh hoặc lướt sóng. Khi hoàng hôn buông xuống, anh xả hơi với ly rượu vang trên bãi biển, bên cạnh chú chó cưng.

“Tôi không nhận ra mình đã tốn bao nhiêu thời gian để lo lắng về đại dịch cho đến khi tới đây”, Almendral nói.

Văn phòng của anh là studio trên tầng cao nhất, mát mẻ với tầm nhìn ra biển.

“Ở đây giúp tôi làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn”, anh nói.

Theo Zing