Theo quy định của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, các vận động viên có xếp hạng từ thứ 3 trở lên tại Thế vận hội Tokyo hoặc giải vô địch thế giới sẽ được đăng ký mua nhà thông qua chương trình đặc biệt.

Điều này đã khiến giới trẻ của xứ kim chi phẫn nộ về sự công bằng liên quan đến quyền lợi dành cho những người đoạt huy chương Olympic.

Những năm gần đây, người dân xứ Hàn gặp nhiều khó khăn trong việc mua bất động sản. Chính phủ nước này cũng phải vật lộn để kiềm chế giá nhà đất tăng cao, theo Korea Times.

                      Đoàn thể thao Hàn Quốc diễu hành trong lễ khai mạc Olympic Tokyo. Ẩnh: Joint Press Corps.


"Nếu giành huy chương, các VĐV sẽ nhận được số tiền 'khủng' và một khoản lương hưu hàng tháng cho thành tích của họ. Một số VĐV nam còn được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc của đất nước. Tôi nghĩ việc cung cấp nhà ở ngoài những lợi ích này là quá nhiều", một giáo viên 35 tuổi ở Incheon nói.

Giáo viên này cho biết thêm quyền lợi đó không công bằng bởi rất nhiều người còn chưa dám mơ đến việc mua được một căn hộ vì giá cả đắt đỏ dù họ đã làm việc rất chăm chỉ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thưởng 63 triệu won (55.000 USD) cho mỗi HCV, 35 triệu won với HCB và HCĐ là 25 triệu won. Những người giành huy chương từ các môn đồng đội nhận được 75% số tiền thưởng so với vận động viên thi đấu cá nhân.

Mỗi hiệp hội và liên đoàn cũng tặng thêm tiền mặt cho các nhà vô địch.

Chẳng hạn, cung thủ An San, người giành 3 HCV tại Thế vận hội Tokyo, sẽ được chính phủ thưởng 157,5 triệu won, 95 triệu won từ Quỹ xúc tiến thể thao Hàn Quốc (KSPO) và 1 triệu won tiền lương hưu hàng tháng đến khi qua đời.

Ngoài ra, Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc dự kiến trao thêm 500 triệu won cho cô.

       Những vận động viên giành được huy chương sẽ nhận nhiều phần quà từ chính phủ, hiệp hội. Ảnh: Yonhap.


Xứ sở kim chi khởi động chương trình cung cấp nhà cho VĐV vào năm 1983, trước khi Olympic Los Angeles diễn ra, nhằm thúc đẩy tinh thần của các tuyển thủ.

Tuy nhiên, không phải VĐV nào cũng được được tặng nhà ở vô điều kiện. Họ còn phải cạnh tranh với nhiều nhóm khác cũng thuộc diện này như những người có công với đất nước, cựu chiến binh…

Không ít dân mạng đã tạo ra những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về vấn đề này.

"Đã 7 năm kể từ khi kết hôn nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa có nhà riêng. Chúng tôi không biết liệu tương lai sẽ về đâu", "Nhiều người bạn của tôi thậm chí đã hoãn việc kết hôn vì vấn đề nhà ở", "Thời thế đã thay đổi. Việc tặng nhà cho các VĐV là một chính sách lỗi thời"... là những bình luận được để lại trên trang Naver.

Một dân mạng khác chỉ ra rằng các cầu thủ bóng đá và bóng chày kiếm được hàng tỷ won/năm.

"Họ có thu nhập rất tốt so với độ tuổi của mình. Sẽ không có ý nghĩa gì khi cung cấp cho họ quyền lợi như vậy", người này viết.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách này khẳng định các tuyển thủ xứng đáng được nhận điều đó vì họ góp phần nâng cao uy tín quốc gia và sự quan tâm của công chúng đối với một số sự kiện thể thao không phổ biến.

Theo Zing