leftcenterrightdel
 Ấn Độ hiện là nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỉ người

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy 1 trong số 4 quốc gia trên toàn cầu đã đi qua thời điểm dân số ở mức cao nhất, trong bối cảnh sinh suất giảm làm trì trệ tăng trưởng kinh tế.

Cách đây một thập niên, Ban Dân số Liên Hiệp Quốc chỉ tính toán được có khoảng 30% cơ hội tăng trưởng dân số đạt mức cao nhất trong thế kỷ 21, nhưng số liệu hiện tại dự báo xác suất này tăng lên 80%.

Theo ước tính mới, dân số thế giới nhiều khả năng sẽ tăng lên con số 10,3 tỉ người vào giữa thập niên 2080 trước khi giảm xuống.

Liên Hiệp Quốc dự báo đà tăng trưởng dân số ở một vài nước đông dân nhất thế giới như Ấn Độ, Indonesia và Nigeria sẽ giúp thế giới tăng thêm 2,1 tỉ dân trong vòng 6 thập niên tới.

Và có đến 9 nước chứng kiến dân số trong nước tăng lên gấp đôi từ năm 2024 đến 2054, trong đó có Angola, CH Trung Phi và CHDC Congo.

Trong khi đó, hơn 60 quốc gia đã trải qua thời kỳ đông dân nhất trong lịch sử mỗi nước như Trung Quốc và Nhật Bản.

Đối với một số nước như Đức, Ý và Nga, mức đỉnh điểm dân số sẽ đến sớm hơn nếu không có sự hỗ trợ của làn sóng di dân. Dân nhập cư là động lực tăng trưởng dân số tại 50 nước trong 3 thập niên tới, trong đó có Mỹ, Canada và Úc.

Tỷ lệ sinh ở một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã giảm nhanh hơn dự kiến, và các nhà nghiên cứu Liên Hiệp Quốc cho rằng thế giới sẽ ít hơn 700 triệu người vào năm 2100 so với mức dự kiến trước đó.

Liên Hiệp Quốc cũng dự báo vào năm 2080, người từ 65 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn người dưới 18 tuổi trên bình diện toàn cầu.

Theo Thanh niên