Đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh 

Theo phong tục của người Việt, vào ngày Tết Thanh minh, các gia đình đi tảo mộ. Công việc chính khi đi tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ và xung quanh mộ sạch sẽ, khang trang. Các gia đình ngoài lễ vật mang theo, còn mang theo cuốc xẻng để đắp lại mộ phần cho đầy đặn, rẫy hết cỏ cây dại, để tránh rắn, chuột đào hang, ảnh hưởng đến mộ phần.



Sau khi hoàn tất công việc sửa sang, các gia đình thực hiện nghi lễ dâng hương hoa, thắp hương, đốt vàng mã, tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Tết Thanh minh cần sắm lễ gì?

Khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình.

Các lễ vật gồm có: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Lễ mặn có thêm rượu thịt, chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc.

Cách cúng lễ khi đi tảo mộ

Trong ngày Tết Thanh minh, các gia đình tiến hành cúng lễ tại bàn thờ gia tiên và phần mộ gia tiên. Khi đến nơi đặt mộ phần của người thân, gia chủ đặt lễ vật cúng Tết Thanh minh vào chỗ thờ chung để làm lễ. Nếu nơi đó không có chỗ thờ, không phải nghĩa trang thì cần chuẩn bị đôn, kệ để đặt đồ lễ chứ không xếp trên mặt đất.



Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ , hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.

Việc cúng gia tiên trong Tết Thanh Minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường. Thể thức này, theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt thì có những nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.

                                                                                                                                                            Theo Thời Đại