Tính đến ngày 22/7, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 đang được điều trị. Một nửa trong số đó tập trung ở Indonesia (561.000 ca). Theo sau Indonesia lần lượt là Malaysia (142.000 ca), và Thái Lan (137.000 ca).

Số ca đang được điều trị tại Brunei là thấp nhất Đông Nam Á, với 39 ca. Đặc biệt, trong hơn 420 ngày qua, quốc gia với 450.000 dân này không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, theo The Star. Thành tích ấy khiến Brunei trở thành một trong số ít quốc gia trong Đông Nam Á vẫn kiểm soát được đại dịch.

Nhưng ở các nước khác, dịch vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tái bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết, một phần là do biến chủng Delta dễ lây lan của Covid-19 cùng ý thức người dân. Số ca mắc tăng vọt đã gây ra áp lực đè nặng lên hệ thống y tế các nước, trong lúc tỷ lệ tiêm chủng Đông Nam Á nhìn chung còn thấp.

           Một người dân giơ cờ trắng cầu cứu giữa lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Malaysia vào đầu tháng 7. Ảnh: Reuters.


Các tâm dịch của Đông Nam Á


Indonesia đã trở thành điểm nóng Covid-19 hàng đầu châu Á, với số ca mắc dương tính Covid-19 tăng gấp 5 lần trong 5 tuần trở lại. Trong tuần qua, số ca chết vì virus corona tại đây đều vượt 1.000 ca mỗi ngày.

Bệnh viện tại Indonesia gần như đã kín chỗ, oxy y tế cũng dần trở nên khan hiếm. Người mắc Covid-19 nhẹ được khuyến khích tự cách ly ở nhà.

Nhiều chuyên gia cho rằng Indonesia đang lãnh hậu quả vì không áp lệnh phong tỏa từ sớm, theo CNN. Hệ quả là trong lễ Eid Al-Fitr của đạo Hồi, khoảng 1,5 triệu người trở về quê nhà. Nhiều người trong đó mang biến chủng Delta đi khắp nơi.

Trong một tuần trở lại, số ca mắc tại Indonesia có xu hướng giảm so với đỉnh 56.700 ca vào ngày 15/7, nhưng vẫn ở mức cao: 44.800 ca/ngày. Nhưng một số chuyên gia lo ngại con số thật sự có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm và truy vết ở nước này còn hạn chế.

        Người dân xếp hàng chờ tới lượt bơm đầy bình oxy y tế cho người nhà mắc Covid-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters.


Ngày 20/7, nhà chức trách Indonesia cho biết sẽ cân nhắc dần nới lỏng các biện pháp giới hạn từ ngày 26/7 nếu số ca mắc tiếp tục giảm, theo Reuters.

Chỉ một ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chính phủ cần siết lệnh phong tỏa hơn nữa do tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại 33 trên 34 tỉnh thành tại Indonesia vẫn vượt mức 20%. WHO hồi tháng 5/2020 từng đề xuất chỉ nên nới lỏng giới hạn khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5% trong ít nhất 2 tuần.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Malaysia. Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm 26/5 cho biết đã phát hiện hàng loạt ổ dịch bắt nguồn từ các buổi cầu nguyện cũng vào lễ Eid al-Fitr.

Ngày 1/6, chính phủ Malaysia phải ban bố phong tỏa cả nước lần 3, sau khi số ca mắc Covid-19 trong ngày vượt 9.000 trường hợp. Sau khi giảm nhẹ, số ca nhiễm tăng vọt kể từ sau ngày 26/6 và nhiều lần lập kỷ lục.

Trong một tuần trở lại, số ca mắc trung bình mỗi ngày của Malaysia vẫn ở mức 12.046. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin từng nói lệnh phong tỏa sẽ chỉ được dỡ bỏ khi con số này giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày.

                                    Người cao tuổi tại Thái Lan đo huyết áp trước khi tiêm chủng ngừa Covid-19. Ảnh: Sipa.


Số ca tử vong cũng có xu hướng tăng, với trung bình hơn 130 người chết mỗi ngày vì Covid-19 trong một tuần trở lại. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trên phương diện bệnh nhân ốm nặng. Hiện Malaysia có gần 940 trường hợp trong phòng chăm sóc tích cực, hơn một nửa trong đó phải thở máy.

Thái Lan đứng thứ 3 Đông Nam Á với 137.000 trường hợp đang điều trị. Trong năm 2020, nước này chỉ có 6.884 ca mắc Covid-19. Hàng phòng ngự chống dịch tại đây vẫn tương đối vững vàng trong quý 1. Nhưng hơn 3 tháng sau, Thái Lan ghi nhận thêm 400.000 ca mắc.

Covid-19 tại Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại. Ngày 22/7, nước này ghi nhận con số kỷ lục 13.655 ca mắc mới. Trong tuần qua, đất nước chùa vàng ghi nhận trung bình gần 11.000 ca nhiễm mỗi ngày. Cùng khoảng thời gian ấy, hàng ngày Thái Lan có gần 100 người chết.

Với hơn 47% người dân đã chích ngừa Covid-19 đầy đủ, Singapore dẫn đầu Đông Nam Á về tiêm chủng và được xem là thành trì hiếm hoi sót lại. Trong tổng số 63.791 người từng nhiễm virus corona tại Singapore, chỉ 36 người tử vong.

Khi bệnh dịch về cơ bản được kiểm soát, Singapore đặt ra chiến lược hướng tới “sống chung với Covid-19” như cúm mùa. Nhưng ngay giữa lộ trình mở cửa, quốc gia này xảy ra đợt bùng dịch liên quan tới một cảng cá và các tụ điểm giải trí.

Đến ngày 22/7, ổ dịch cảng cá đã tăng lên 541 ca, trong khi số ca mắc liên quan tới các tụ điểm giải trí là 220 ca. Singapore tuần qua cũng ghi nhận trung bình hơn 100 ca mắc mới mỗi ngày, đa phần là ca mắc cộng đồng.

                                           Singapore dự định hướng tới sống chung với Covid-19 như cúm mùa. Ảnh: Reuters.


Trước đợt bùng dịch mới, chính phủ buộc phải siết chặt giãn cách trong 1 tháng nhằm “câu giờ” để có thể hoàn tất mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 67% dân số trước ngày Quốc khánh 9/8.

Loay hoay tiêm chủng

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, đa số các nước khu vực Đông Nam Á lúc này vẫn đang loay hoay tìm cách thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng.

Sau Singapore, nước có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai Đông Nam Á là Campuchia, theo Our World in Data. Nhờ được đảm bảo nguồn cung vaccine từ Trung Quốc, Campuchia tính đến ngày 19/7 đã tiêm chủng đủ 2 liều cho khoảng 25% người dân.

Malaysia có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ 3 của khu vực với 14,4% người dân đã được tiêm chủng đầy đủ. Con số này ở Indonesia, Thái Lan, Brunei và Philippines dao động trong khoảng 4,3-6, tính tới ngày 19/7.

                                             Người dân Phnom Penh, Campuchia xếp hàng chờ tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.


Ngoài vấn đề nguồn cung, thách thức trước mắt của nhiều nước Đông Nam Á là làm sao vượt qua tâm lý e ngại tiêm vaccine của người dân. Tuy tỷ lệ ca mắc cao, khu vực này vẫn còn phổ biến tâm lý do dự vaccine, theo các khảo sát gần đây. Tại Philippines, 68% người dân không chắc hoặc không muốn tiêm chủng, theo Social Weather Stations.

30% người dân Thái Lan nghi ngờ hoặc từ chối chích ngừa, theo Suan Dusit Poll. Một khảo sát khác cho thấy gần 20% dân số Indonesia chần chừ tiêm vaccine.

Các nước đang phải dùng biện pháp sáng tạo để khuyến khích tiêm chủng. Từ giữa tháng 6, một tỉnh phía bắc Thái Lan bắt đầu quay xổ số vaccine với phần thưởng là một con bò. Ở nông thôn Indonesia, người tiêm chủng được nhận gà miễn phí, trong khi người thành thị có cơ hội nhận nhà.

Theo Zing