Khi nhận xét nghiệm PCR dương tính nCoV, Yves Sieur, người Pháp sinh sống tại Hong Kong đã tự cách ly ở nhà theo yêu cầu của ngành y tế, theo dõi tiến triển của bệnh.

Tiêm hai mũi vaccine, ông vẫn đau họng và sốt cao trong ba ngày liên tiếp. "Tôi như bị hàng nghìn mũi kim đâm vào cổ họng, đau đến tận mang tai. Tôi thậm chí không thể nuốt nổi nước bọt, phải nhổ ra", Sieur kể lại.

Đối với Sieur, triệu chứng đặc trưng nhất là đau rát cổ họng trong hai ngày, đến nỗi ông không thể uống nước. Ông lo lắng mình sẽ bị mất nước đến mức nguy hiểm nên gọi xe cứu thương đến bệnh viện.

Dù vậy, với các triệu chứng trên, ông được khuyên điều trị tại nhà. Các bệnh viện ở Hong Kong cũng đã đông đúc vì số ca nhiễm tăng cao. Bác sĩ khuyên ông dùng steroid cho cổ họng. Sau một vài giờ kể từ khi uống viên đầu tiên, ông có thể uống nước trở lại.

Các nghiên cứu cho thấy biến chủng Omicron ít gây tổn thương cơ thể hơn, thường chỉ giới hạn ở đường hô hấp trên, gồm mũi, họng và khí quản.

"Omicron không đi đến phổi, vì vậy so với các biến chủng khác, nó không ảnh hưởng đến đường thở của bạn. Nhưng tôi bị sốt cao, không ăn được và tiêu chảy", ông Sieur nói.

Người dân Hong Kong xếp hàng chờ xét nghiệm nCoV hôm 24/2. Ảnh: AP

Người dân Hong Kong xếp hàng chờ xét nghiệm nCoV hôm 24/2. Ảnh: AP

Khi Covid-19 quét qua Hong Kong, các F0 triệu chứng nhẹ được khuyên nên nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Chuyên gia đưa ra một số lưu ý để người bệnh tự chăm sóc mình một cách hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Nichola Salmond, Giám đốc hệ thống chăm sóc sức khỏe Optimal Family Health, nhận định F0 có thể điều trị dựa trên triệu chứng. Bà khuyên người bệnh sử dụng Panadol (paracetamol) nếu có biểu hiện sốt, đau nhức cơ thể. Bà cho biết bệnh nhân nên uống thuốc nếu sốt từ 38 độ C trở lên, có thể dùng thêm thuốc thông mũi để giảm sổ mũi.

"Cơn sốt khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Khi nhiệt độ giảm xuống, họ sẽ dễ chịu hơn", bà nói.

Vitamin D từ lâu được công nhận là chất hỗ trợ miễn dịch, được nhiều bác sĩ và chuyên gia khuyên dùng trong thời kỳ đại dịch. Nghiên cứu công bố vào tháng 2 phát hiện mối liên hệ giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D với triệu chứng nghiêm trọng của bệnh. Các F0 thiếu vitamin D (dưới 20 ng/ml) có nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm virus cao hơn 14 lần so với người có mức Vitamin D trên 40 ng/ml.

"Thiếu hụt vitamin D là vấn đề lớn tại Hong Kong. Người dân có xu hướng tránh ánh nắng mặt trời, trong khi đây là nguồn cung cấp 95% Vitamin D", Salmond nói.

Liều lượng vitamin D tiêu chuẩn thường không quá 5.000 đơn vị. Song theo Salmond, người dương tính nCoV có thể tăng lên 10.000 đơn vị trong vài ngày nhiễm bệnh. Bà cũng khuyến nghị các F0 bổ sung kẽm và vitamin C, cả hai đều có đặc tính kháng virus.

Đối với trẻ em, nhiều nghiên cứu cho thấy đối tượng này thiếu 50% kẽm và sắt trong chế độ ăn hàng ngày, cần phải bổ sung kẽm và sắt đủ nhu cầu để phát triển toàn diện. Trẻ bị mắc Covid càng cần bổ sung các vitamin thiết yếu để tăng miễn dịch, sớm khỏi bệnh.

Các chuyên gia khác khuyên người bệnh uống nhiều nước, bởi sốt khiến cơ thể mất nước. Bổ sung khoáng chất và điện giải giúp thải độc.

Theo tiến sĩ Benita Perch, Viện Y học Tổng hợp, Omicron gây hiện tượng tiêu chảy ở một số bệnh nhân. Bà khuyến cáo người dân giảm tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, ăn đồ chiên rán trong thời kỳ nhiễm bệnh. Những chất này làm suy yếu hệ miễn dịch đang cố gắng chống chọi với mầm bệnh. Bà đề xuất loại thức uống tại nhà đơn giản, nhẹ nhàng hơn gồm mật ong, chanh, tỏi và gừng, pha với nước ấm.

Theo vnexpress