Hãng kiểm toán PwC vừa công bố báo cáo "Khảo sát doanh nghiệp gia đình 2021 - Góc nhìn Việt Nam", với sự tham gia của 33 lãnh đạo và người ra quyết định từ các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu tại Việt Nam.
Theo đó, 52% doanh nghiệp cho biết sẽ đưa thế hệ kế nghiệp trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 36% doanh nghiệp đã định sẵn kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch.
“Các doanh nghiệp gia đình đang phải thích ứng với tốc độ thay đổi chưa từng có. Bên cạnh kế hoạch chiến lược, họ cần tập trung đồng đều vào việc xây dựng kế hoạch kế thừa. Trong đó, một khởi đầu vững chắc sẽ giúp trang bị cho thế hệ tương lai những công cụ cần thiết để thúc đẩy và định hướng phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp", ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo dịch vụ doanh nghiệp gia đình và tư nhân tại PwC Việt Nam nhận định.
|
Nguồn:PwC. |
Thực tế, dù kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, nhưng tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. Chỉ 30% doanh nghiệp Việt Nam tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, so với tỷ lệ toàn cầu là 38%. Đồng thời, chỉ 9% doanh nghiệp hoàn toàn tự tin vào năng lực số.
Sự chênh lệch này phần nào có thể được lý giải bởi mức độ kháng cự đối với thay đổi còn ở mức 67%, cao hơn cấp độ khu vực (29%) và thế giới (33%).
Theo ông Johnathan Ooi, từ năm 2019, 55% thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam đã tin rằng có thể giúp doanh nghiệp gia đình phát triển phù hợp với thời đại số, coi đây là đóng góp tích cực nhất.
“Các doanh nghiệp nên cân nhắc làm sao để tận dụng những hiểu biết và góc nhìn mới mà thế hệ kế nghiệp - với thế mạnh sẵn có về kỹ thuật số - có thể đóng góp, thúc đẩy ưu tiên quan trọng về số hóa cho doanh nghiệp”, ông Johnathan nhấn mạnh.
Cũng theo khảo sát này, 65% doanh nghiệp gia đình Việt Nam dự báo tăng trưởng trong năm 2021. Triển vọng cho năm 2022 thậm chí còn tích cực hơn, với 3/4 lãnh đạo được hỏi tự tin về tăng trưởng doanh nghiệp, và 33% dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra “nhanh” và “mạnh mẽ”. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực là 28% và trên toàn cầu là 21%.
Hướng đến những kỳ vọng tăng trưởng này, các doanh nghiệp cho biết mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi cơ cấu quản lý thành nhân sự ngoài gia đình cũng được ghi nhận. Hiện nay, mô hình vận hành chủ yếu của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu (52%) hoặc gia đình quản lý (36%). Điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành, với tỷ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới.
Theo Zing