Các nhà mốt hy vọng vào thị trường Trung Quốc
Theo Vogue Business, ba tuần qua, một số thương hiệu, tập đoàn thời trang xa xỉ báo cáo doanh số có dấu hiệu tăng ở Trung Quốc. Đất nước tỷ dân cũng chuẩn bị những bước đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế. Giám đốc điều hành nhiều công ty cho rằng việc tăng lượng người đến cửa hàng bán lẻ trong các tuần tới sẽ thúc đẩy doanh thu tăng trưởng bổ sung.
Tại cuộc họp trực tuyến hôm 16/4, Giám đốc tài chính LVMH - ông Jean Jacques Guiony - cho biết: "Các con số khả quan hơn nửa cuối tháng 3 và tăng tốc vào tháng 4. Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng đáng kể, đôi khi vượt quá 50% ở các thương hiệu lớn. Điều này cho thấy 'khao khát' mua sắm của người Trung Quốc sau hai tháng cách ly".
Vogue Business cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc chiếm một phần ba tổng doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu.
Trong cuộc họp ngày 21/4 của Kering, Giám đốc tài chính Jean Marc Duplaix cho biết tập đoàn cải thiện doanh thu ở phía nam và đông Trung Quốc, đồng thời có dấu hiệu thay đổi ở khu vực phía bắc và tây.
Hermès cho biết sẽ mở lại các cửa hàng ở Trung Quốc. "Các hoạt động đang tăng lên", đại diện công ty cho biết trong cuộc họp trực tuyến quý đầu vào ngày 23/4. Giám đốc điều hành Axel Dumas nói doanh số bán hàng tăng gấp đôi.
Bulgari và loạt thương hiệu trang sức cũng tăng trưởng doanh thu. Giám đốc điều hành Bulgari - Jean Christophe Babin - cho hay doanh số bán hàng của công ty tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, dù hoạt động mua sắm tại các trung tâm thương mại ở Trung Quốc giảm 50%.
"Lưu lượng mua sắm trở lại tích cực từ 4/4 và doanh số tăng 80% trong một số ngày nhất định, khi người tiêu dùng tại Trung Quốc tìm mua những món quà muộn cho các sự kiện quan trọng", đại diện nhà mốt Bulgari nói thêm.
Đìu hiu từ du lịch đến hàng xa xỉ
Theo Vogue Business, không phải quốc gia nào cũng lạc quan như Trung Quốc. Một số nước đang chịu những cú sốc do lệnh giãn cách xã hội. Sự suy thoái ngành du lịch - yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ - khiến nhiều nước rơi vào khủng hoảng và khó phục hồi sớm. Tình hình tại châu Âu cũng ảm đạm không kém.
Nhà phân tích Edouard Aubin viết trong báo cáo của Morgan Stanley: "Doanh thu ở Hong Kong, nơi chiếm một phần ba tổng lượng tiêu thụ xa xỉ phẩm và Macao cũng đìu hiu". Doanh thu ở Hàn Quốc - thị trường chiếm nửa lượng tiêu thụ xa xỉ phẩm châu Á và cũng là quê hương của thị trường miễn thuế lớn nhất thế giới - cũng bị ảnh hưởng nặng bởi du lịch ế ẩm.
Tại Nhật Bản - nước chiếm 7% tổng doanh thu ngành xa xỉ phẩm, các mặt hàng có thể sụt giảm nhiều hơn trong tháng 4. Báo cáo từ Morgan Stanley lưu ý doanh số từ các khu trung tâm mua sắm sụt giảm tương ứng 12-40% mỗi năm.
Tình hình cải thiện ở Trung Quốc khó bù đắp việc đóng toàn bộ cửa hàng ở châu Âu, Bắc Mỹ lẫn "cấm cửa" du lịch. Hơn một phần ba doanh thu xa xỉ phẩm toàn cầu đến từ du khách và yếu tố sợ di chuyển sau đại dịch, nhất là khách Trung Quốc có thể kéo dài, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xa xỉ.
Khoảng nửa lượng tiêu thụ xa xỉ phẩm của người Trung Quốc diễn ra chủ yếu ở Hong Kong, Macao, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. Hiện chuyển sang Trung Quốc đại lục, nhưng không thể bù số tiền họ chi tại nước ngoài. Đặc biệt, không phải mọi hoạt động kinh doanh đều trở lại bình thường. Nhiều doanh nghiệp địa phương đang gặp vấn đề nghiêm trọng về vốn và cắt giảm nhân sự.
Cả Guiony và Duplaix cho rằng việc "hồi hương" lợi nhuận có thể không "bù đắp áp lực mà tình hình dịch bệnh đang gây ra cho hoạt động kinh doanh ở nước ngoài". Họ buộc phải thích ứng, xem xét và đưa ra các giải pháp, ví như thay đổi địa điểm kinh doanh và mạng lưới phân phối.
Tuy nhiên theo các chuyên gia dịch tễ học, mọi kế hoạch đều có nguy cơ đổ bể nếu Covid-19 bùng phát mạnh trở lạ. Mario Ortelli - đối tác quản lý của công ty cố vấn Ortelli & Co - nói. "Nếu làn sóng dịch thứ hai không may xảy ra, tâm lý người tiêu dùng sẽ xấu đi ngay lập tức".
Theo vnexpress