Từ tháng 1 đến tháng 8, những "đội săn tìm kẻ biến thái" của cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ 285 tội phạm tình dục trên tàu điện ngầm. Đây là một phần của chiến dịch giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục vốn tồn tại lâu nay trên các phương tiện giao thông công cộng ở Trung Quốc.
Gần đây, chiến dịch này gây xôn xao dư luận toàn quốc sau khi một nhân vật cấp cao thuộc Ủy ban quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc bị bắt quả tang đang quấy rối một phụ nữ.
Phương tiện giao thông công cộng đông đúc là địa điểm thích hợp để những kẻ biến thái tìm kiếm mục tiêu. Ảnh: People Visual.
Thành viên "đội tuần tra đặc biệt" thuộc 32 đồn cảnh sát giao thông ở thủ đô Bắc Kinh mặc thường phục, đi tuần ở khắp hệ thống tàu điện ngầm thành phố và tìm kiếm những kẻ biến thái.
Họ theo dõi và ghi hình hành tung của những kẻ đó từ lúc chúng tìm kiếm, bám theo mục tiêu, sau đó sờ soạng, cọ xát vào chỗ nhạy cảm của nạn nhân. Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng, cảnh sát tiến hành bắt giữ thủ phạm trong vòng 10 ngày - hình phạt tối đa về tội quấy rối tình dục theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Chiến dịch của cảnh sát Bắc Kinh nhận được sự hoan nghênh của người dân. Tuy nhiên, họ cho rằng hình phạt 10 ngày là quá khoan dung đối với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân đã chia sẻ những trải nghiệm khi bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng tại mạng xã hội Weibo.
“Tôi từng phải chuyển nhà đến gần công ty hơn để có thể lái xe máy đi làm. Tôi quá sợ tình trạng tàu điện ngầm chật cứng trong giờ cao điểm. Vì vậy, tôi cực kỳ ủng hộ chiến dịch này”, một người phụ nữ bình luận.
Kể từ khi chiến dịch săn lùng kẻ biến thái được triển khai ở Bắc Kinh, hơn 840 tội phạm tình dục đã bị bắt giữ.
Vấn nạn xã hội ít được quan tâm
Quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng vốn là vấn nạn phổ biến ở đất nước tỷ dân. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát năm 2015 của China Youth Daily, cả nam và nữ giới, cho biết họ từng là nạn nhân của những kẻ biến thái trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm.
Một cảnh trích từ video ghi lại quá trình bắt giữ tội phạm quấy rối tình dục của cảnh sát Bắc Kinh. Ảnh: Weibo.
Định kiến xã hội, nỗi xấu hổ và sợ bị trả thù là nguyên nhân chính khiến các nạn nhân không dám phản ứng lại tội phạm tình dục hoặc trình báo với cảnh sát. Năm 2017, một cô gái ở Bắc Kinh đã bị một gã biến thái cắt cổ sau khi nạn nhân tát hắn vì có hành vi sờ soạng cơ thể cô.
Nhiều năm qua, vấn nạn này thường không được các nhà chức trách Trung Quốc chú tâm tới. Năm 2016, một số nhóm vận động xã hội ở phía nam thành phố Quảng Châu đã phát động chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về vấn nạn quấy rối tình dục nhưng bị chính quyền địa phương dẹp bỏ.
Trong khi đó, những biện pháp của chính quyền thường không triệt để. Năm 2017, thành phố Quảng Châu cho ra mắt các toa tàu điện ngầm “chỉ dành cho phái nữ”.
Tuy nhiên, hành động này nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích của dư luận khi không giải quyết gốc rễ của vấn nạn, bao gồm thái độ và lối hành xử của những gã biến thái.
Nạn nhân thường bị đổ lỗi nhiều hơn những tội phạm tình dục. Ảnh: China Daily.
Shaoxi, một blogger về nữ quyền, cho rằng công chúng thường tập trung vào nạn nhân trong các vụ tấn công và quấy rối tình dục.
“Người ta đưa nạn nhân vào tầm ngắm, cho rằng sự việc xảy ra là bởi hành vi của họ, thay vì hỏi tại sao thủ phạm lại làm hại người khác”, cô nói.
Tuy nhiên, Shaoxi cho biết gần đây nổ ra nhiều cuộc tranh cãi xung quanh vấn nạn quấy rối tình dục trên cả Internet lẫn báo chí và đó là một tín hiệu tích cực.
"Những cuộc tranh cãi đều là đang chiến đấu cho lẽ phải, dù chúng diễn ra trên mạng hay trên báo chí", chủ trang blog ủng hộ nữ quyền khẳng định.
Xiao Meili, một nhà hoạt động nữ quyền, cũng phấn khởi khi trong những năm gần đây, dư luận đã ý thức hơn khi không đổ lỗi cho nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục.
"Tôi vui mừng khi thấy nhiều người nhận ra hành vi đổ lỗi cho nạn nhân là sai và sẵn sàng lên tiếng chỉ trích thực trạng đó", cô cho biết.
Theo Zing