Mùa hè là thời gian nhiều sinh viên và các cử nhân mới ra trường đi thực tập. Một số xin vào các tập đoàn lớn, trong khi số khác đến làm ở các doanh nghiệp do bố mẹ điều hành.
Lựa chọn này đem lại nhiều lợi ích cho người trẻ vì được phụ huynh dẫn dắt nhưng nó cũng mang đến không ít phiền toái cho các nhân sự nhận nhiệm vụ cùng họ.
“Tôi không nhớ có ai lại hào hứng khi con của ông chủ đến đây làm”, Sarah Lopez, nhà tuyển dụng ở Cincinnati, người từng giữ nhiều vị trí trong bộ phận nhân sự của các công ty phần mềm, xây dựng và một số ngành công nghiệp khác, nói.
Không thích làm việc với con ông chủ
Theo Lopez quan sát, tinh thần trong văn phòng thường bị sa sút khi con cháu của CEO “qua ải” dễ dàng. Cô cho biết những bản lý lịch mỏng manh là yếu tố thu hút sự chú ý lớn nhất.
Những người đã rơi vào trường hợp này chia sẻ ngay cả khi bạn trẻ đó đủ tiêu chuẩn, họ vẫn luôn thắc mắc vì sao bao nhiêu ứng cử viên sáng giá khác đã bị đánh rớt và không được xem xét kỹ lưỡng.
Họ cũng sợ cơ hội thăng tiến của mình sẽ bị thu hẹp. Xuất phát điểm của những người thừa kế có thể thấp nhưng nhóm này đã được định sẵn cho một vị trí lãnh đạo nào đó trong doanh nghiệp, Wall Street Journal đưa tin.
Với những người đi làm cùng cha mẹ, họ biết mọi người bàn tán và phán xét về mình nên phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để chứng tỏ giá trị của bản thân.
Một số ông chủ đã thuê con cái cho rằng điều quan trọng là khiến chúng tự cố gắng hoặc tích lũy kinh nghiệm ở một công ty khác trước, sau đó giao lại cho những nhà quản lý sẵn sàng nhận xét thẳng thắn.
Họ cũng thừa nhận hiệu suất tốt là cách duy nhất để chấm dứt lời đồn đoán.
|
|
Thuật ngữ "nepo baby" phổ biến trong giới thời trang, giải trí và dần được sử dụng cho những lĩnh vực khác. Ảnh:Vogue. |
Trong một ví dụ đáng chú ý, vào hôm 1/6, quỹ đầu tư Trian Fund Management tuyên bố Giám đốc Ed Garden sẽ từ chức, mở đường cho Matt Peltz, con trai của CEO Nelson Peltz, trở thành đồng CIO (giám đốc thông tin).
Peltz bắt đầu sự nghiệp của mình tại Goldman Sachs và hiện đã ở Trian Fund Management được 15 năm.
Việc cân nhắc kỹ lưỡng các mối quan hệ gia đình đặc biệt gay gắt trong thời gian gần đây khi thuật ngữ “nepo baby” trở nên phổ biến.
Trước đó, “nepo baby” nổi lên như một meme trên mạng, nhắm vào con cái của các ngôi sao Hollywood, được hưởng các đặc quyền do tầm ảnh hưởng từ cha mẹ. Hiện tại, cụm từ này đôi khi được áp dụng cho bất kỳ ai trong lĩnh vực giải trí, thể thao hoặc kinh doanh.
Một nghiên cứu của nhà kinh tế học Matthew Staiger thuộc Đại học Harvard đã chỉ ra rằng 29% người Mỹ làm việc cho công ty của cha hoặc mẹ ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp.
Ông ước tính những người ứng tuyển vào nơi phụ huynh làm chủ kiếm được nhiều tiền hơn 19% so với nhân viên khác.
“Con cái từ các gia đình giàu có được hưởng lợi một cách không tương xứng. Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ nói điều này không công bằng”, ông nhận xét.
Staiger cho biết thêm những lao động chân tay thường đạt được mức lương cao nhất từ các mối quan hệ gia đình. Chẳng hạn, một người nào đó không có bằng cấp hoặc kỹ năng chuyên môn có thể chuyển từ công việc lương thấp sang vị trí mới, được trả thù lao cao hơn.
Áp lực hơn khi vào công ty của bố mẹ
Một số bậc cha mẹ ban đầu khá thoải mái để những đứa trẻ tự do bay nhảy, sau đó đưa ra các thử thách đặc biệt cho con họ.
Oscar Munoz, giám đốc điều hành của United Airlines từ năm 2015 đến năm 2020, cho hay ông đã tạo điều kiện cho cậu con trai tuổi teen của mình đi thực tập vào mùa hè, đồng thời giao cậu làm việc với một đội ngũ quản lý đường băng sân bay.
“Tôi nói với cấp dưới: 'Khi động vật chạy trên đường băng và ai đó phải mang chúng ra ngoài, tôi muốn con tôi làm điều đó và những thứ tệ hơn nữa'”, Munoz kể.
Munoz thừa nhận mình khó tính vì nhớ lại cảm giác thiệt thòi nhiều năm trước khi làm chung bộ phận với con trai của một CEO tại công ty khác. Vì thế, Munoz thà để con chịu khổ còn hơn hưởng một chút quyền lợi không xứng đáng.
Jay Zagorsky, người được kỳ vọng trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của nhà máy sản xuất đệm ở Massachusetts (Mỹ), cho hay sự tự mãn có thể len lỏi khi ai đó nghĩ rằng mình làm được điều đó nhờ gen di truyền.
|
|
Một cảnh trong bộ phimSuccessioncủa HBO khi các thành viên trong gia đình tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn giải trí và truyền thông đa quốc gia của người cha già. Ảnh:Graeme Hunter/HBO. |
Vì vậy, Zagorsky đã rất vất vả để giành được sự tôn trọng của nhân viên trong thời gian nghỉ hè.
“Tôi chưa bao giờ học trung học hay đại học vì tôi biết mình sẽ điều hành công việc kinh doanh của nhà. Tôi không bị áp lực phải đạt điểm A”, anh nói.
Sau đó, nhà máy ngừng hoạt động trước khi Zagorsky có cơ hội lên làm quản lý. Anh đã quay lại trường học và cố gắng trau dồi thành tích. Cuối cùng, Zagorsky lấy được bằng tiến sĩ và trở thành phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston.
Zagorsky có một đồng nghiệp đang công tác tại thành phố Burlington tên là Patrick Abouchalache, chuyên mở các dạy khóa học dành cho người trẻ muốn tiếp quản công ty gia đình.
Abouchalache đánh giá hầu hết họ đều khiêm tốn, chăm chỉ và coi việc trở thành người thừa kế là một trách nhiệm nặng nề.
Khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc kinh doanh của nhà mình. Abouchalache cho hay phần lớn họ muốn có kinh nghiệm xây dựng sự nghiệp và hiểu rằng điều đó sẽ giúp bản thân có uy tín hơn nếu sau này gia nhập tập đoàn của cha mẹ.
Theo zingnews