Dưới đây là những trải nghiệm của nhiều du khách Đức đang mắc kẹt ở nơi mình từng mơ ước ghé thăm do Covid-19.
|
Covid-19 bùng phát ở châu Âu khiến nhiều quốc gia siết chặt xuất, nhập cảnh, hàng loạt chuyến bay trên có thế bị hoãn hủy. Ảnh:Spiegel. |
Tây Ban Nha
Tom McCann, du khách Đức, bị mắc kẹt ở thành phố Torremolinos, Tây Ban Nha từ 15/3. Anh muốn thuê một chiếc xe ô tô để về nhà, nhưng hoặc phải trả 1.000 Euro, hoặc sẽ chẳng đi đâu hết. McCann đặt chuyến bay về nhà vào ngày 19/3, và ngay sau đó anh được thông báo hành trình bị hủy. Hãng bay cung cấp cho Tom một voucher thay cho số tiền 155 Euro anh bỏ ra trước đó. Ngày 16/3, anh nhận được cuộc gọi từ lễ tân thông báo khách sạn đóng cửa, McCann phải rời khỏi trong ngày. "Đó là tình trạng của tôi lúc này", anh nói.
Ulrich Hahn cũng gặp tình trạng giống McCann. Hai vợ chồng anh được chủ khách sạn ở La Palma yêu cầu rời đi lúc 12h. "Nhưng đi đâu bây giờ?", Ulrich nói. Cuối cùng, công ty lữ hành nơi anh mua tour đã giúp đỡ để nam du khách thuê được một khách sạn trên đảo Tenerife cho đến hết ngày 19/3. Tuy vậy, trong những ngày ở đây, hai vợ chồng phải ở trong phòng.
Bồ Đào Nha
Đôi vợ chồng mới cưới Jonas và Katrin Müller bay từ Berlin đến đảo Arozes vào 14/3 để hưởng tuần trăng mật. Khi đến nơi, họ phải điền vào giấy tờ rồi được yêu cầu cách ly trong khách sạn 14 ngày. Hai du khách hoàn toàn bất ngờ khi nhận được thông báo trên. Hiện tại, tuần trăng mật của họ đã biến thành tuần cách ly. Hai vợ chồng đang cố gắng có được sự chấp nhận từ chính quyền địa phương để được phép trở về nhà sớm nhất có thể.
Hai vợ chồng cũng liên lạc với bên công ty lữ hành, nơi mình đặt tour, để nhờ hỗ trợ nhưng không có kết quả. Đại sứ quán cũng không thể giúp gì hơn. "Chúng tôi lo mình làm sai điều gì đó, và sẽ không thể trở về nhà trong thời gian này. Nhưng ít nhất, chúng tôi có thể tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp với những ngọn đồi phía xa xa trên đảo", nam du khách cho biết.
Saint Martin
Sebastian Krauss đến đảo Saint Martin nằm ở ngoài khơi biển Caribbean được một tuần. Trên đảo, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, dù các chuyến bay về nhà của các du khách đang dần khó khăn hơn. Đồng cảnh ngộ với Sebastian, du khách đến từ Bremen, phía bắc nước Đức là hai vợ chồng người Mỹ. Họ không thể đặt chuyến bay về nhà, và cùng chờ đợi giống Sebastian.
Trong những ngày bị mắc kẹt, nam du khách học được rằng hoảng loạn sẽ chẳng giúp được gì. Chuyến bay của anh về nhà được lên kế hoạch, nhưng Sebastian vẫn sẵn sàng chờ đợi các thông báo mới nhất, chấp nhận việc có thể bị hoãn hủy bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên đến hiện tại, mọi thứ vẫn đang ổn, ngày về của anh cũng tới gần hơn. Điều may mắn duy nhất của anh là công việc không bị gián đoạn, vì anh có thể làm việc từ xa.
Philippines
Caroline Peters đến Philippines được hai tuần và đi du lịch khắp đất nước với một chiếc ba lô. Trong tuần đầu tiên, Caroline đi xe bus đêm từ Manila đến Banaue, một ngôi làng miền núi nhỏ nằm ở phía bắc của đảo chính Luzon. Nơi đây nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Hiện tại cô ở trên đảo Bohol nghỉ mát và nhận được tin Manila đã tự phong tỏa trong vòng một tháng. Tiếp đó là Cebu, thành phố lớn thứ hai đất nước.
Chính quyền Bohol cũng có lệnh phong tỏa trong ngày 16/3 và đặt hòn đảo vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Dự kiến, mọi thứ trở lại bình thường vào ngày 21/3, nếu trên đảo không xuất hiện ca nhiễm nCoV nào. Tuy vậy, mọi thứ thay đổi từng ngày và việc lập kế hoạch là điều không thể vào lúc này. Các nơi khác ở Philippines cũng dần áp lệnh phong tỏa. Điều duy nhất mà khách du lịch như Caroline Peters làm lúc này là chọn nơi mình sẽ ở lại để cùng chịu phong tỏa. Và cô chọn thành phố Tagbilaran, Bohol vì nơi đây có bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc và rất thuận tiện để tới Cebu - nơi có sân bay quốc tế - bằng phà nếu lệnh phong tỏa được xóa bỏ.
Mọi điểm du lịch ở Bohol đều đóng cửa, do vậy nữ du khách chỉ có thể "giết thời gian" bằng cách lang thang trên bãi biển tuyệt đẹp. "Tôi biết ơn vì người dân ở đây không hoảng loạn, và đổ xô đi mua đồ tích trữ. Hàng vẫn đầy trên kệ trong siêu thị, các nhà hàng vẫn mở. Nhưng điều tệ là tôi vẫn bị mắc kẹt ở đây".
Morocco
Bianca đang mắc kẹt ở thành phố Chefchaoue, Morocco. Chuyến bay về nhà vào ngày 25/3 của cô đã bị hủy. Các cửa hàng đã giới hạn giờ mở cửa từ 15/3 và cô bị từ chối phục vụ tại một nhà hàng. Tại đây, vào thời điểm này, từ mà Bianca nghe thấy nhiều nhất là "Corona", thay vì "Salam" (kiểu chào của người Hồi giáo).
Cô hiểu, người dân sợ khách du lịch, vì sợ lây nhiễm. Dù vậy, vẫn có nhiều người đề nghị giúp đỡ Bianca và khách sạn nơi cô đang ở hỗ trợ cô tiền phòng trong những ngày bị mắc kẹt. Bianca đang cố tìm đường để đến Marrakech, thành phố lớn thứ 4 của đất nước. Đây là nơi cô hy vọng có thể bay về nhà nhanh nhất.
Bạn đồng hành với cô là một người Nhật. Bianca mong muốn người bạn của mình cũng có thể bay về Đức cùng cô thành công và ít nhất tại đó, bạn cô có thể tá túc trong nhà của Bianca.
Theo vnexpress