Nhiều du khách vẫn hy vọng có thể tận hưởng chuyến nghỉ dưỡng trốn lạnh tại châu Á vào cuối năm. Nhưng khi thời điểm đó tới gần, họ buộc phải nhìn vào thực tế phũ phàng. Một kỳ nghỉ Giáng sinh nóng bỏng bên bờ biển Phuket sôi động ư? Đó đã là của quá khứ. Bạn muốn đón Tết âm lịch 2021 ở Bali? Vậy hãy xem có chuyến bay nào mở bán đến đó và chắc chắn không bị hủy. Và danh sách các điểm đến trong tình trạng như thế này vẫn còn kéo dài.
Nói về kế hoạch mở lại biên giới trong năm 2020 ở châu Á để đón khách quốc tế, các chuyên gia du lịch cho rằng điều này rất khó. Chúng ta mất 3/4 thời gian của năm 2020 để chống dịch, và chúng ta chi còn 1/4 năm. Thời gian quá ngắn để có những đột phá lớn.
Đầu tháng 5, sự lạc quan của du khách thế giới tăng cao khi nhiều quốc gia châu Á thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Họ lên kế hoạch mở biên, đón khách và thiết lập các "hành lang du lịch an toàn". Australia và New Zealand là hai quốc gia nêu ra khái niệm "bong bóng du lịch" (còn có tên gọi khác là hành lang du lịch, cầu hàng không) đầu tiên. Ý tưởng trên được các quốc gia đón nhận và kỳ vọng như biện pháp mới để đưa du khách quốc tế quay lại. Điều này cũng giúp các nền kinh tế vốn lao đao vì dịch bệnh thu hồi phần nào khoản lỗ hàng trăm triệu USD vì vắng bóng du khách.
Nhưng đến nay, kế hoạch hành lang du lịch vẫn chưa thể thực hiện ở châu Á, phần lớn do các ca lây nhiễm bất ngờ tăng trở lại. Điều này khiến chính phủ các nước thận trọng hơn. Mario Hardy, CEO Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA), cho biết: "Bong bóng du lịch vô cùng phức tạp để thực hiện, hơn rất nhiều so với những gì mọi người nghĩ ban đầu".
Theo đó, mỗi điểm đến tương ứng cần thử nghiệm các biện pháp phòng ngừa dịch, cũng như cần sự hợp tác từ khách. Những nơi này cũng cần phải chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ để có thể xử lý tốt nếu dịch bệnh bùng phát, cũng như khả năng truy lùng dấu vết người nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Eunice Aw, Giám đốc Horwath HTL (công ty tư vấn du lịch, khách sạn toàn cầu) tại Singapore, nhận định Thái Lan là một trong những nước phải đối mặt với áp lực mở cửa biên giới nhiều nhất. Đây là nước có ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch tại Đông Nam Á.
Năm 2019, Thái Lan đón gần 40 triệu lượt khách. Đây là nơi nổi tiếng về ẩm thực, văn hóa, những bãi biển tuyệt đẹp và kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện tại, xứ sở nụ cười vẫn đóng cửa với khách quốc tế nhưng mọi thứ có thể sớm thay đổi. Hồi giữa tháng 9, chính phủ dự định cấp thị thực lưu trú dài hạn 90 ngày cho khách quốc tế. Dự kiến chương trình bắt đầu vào tháng 10. Điều kiện để khách được cấp visa đặc biệt này là những người nước ngoài có ý định ở lại đây dài ngày, đóng 64 USD tiền phí làm visa, phải cách ly 14 ngày ngay sau khi nhập cảnh và xét nghiệm âm tính nCoV. Chương trình này nhận được sự quan tâm tích cực từ thị trường khách châu Âu, theo người đứng đầu Tổng cục du lịch Thái Lan Suttasak Supasorn.
CNN nhận định Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất trong khu vực trước dịch. Theo báo cáo năm 2019 từ Ngân hàng Thế giới, 15 triệu lượt khách quốc tế đến dải đất hình chữ S mỗi năm cùng 80 triệu lượt khách quốc nội. Con số này tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay các chuyến bay đón khách quốc tế tới nghỉ dưỡng vẫn chưa được triển khai.
Bộ Du lịch Hàn Quốc cho biết chưa có kế hoạch đón khách quốc tế và cũng không có kế hoạch cho các chiến dịch hành lang du lịch an toàn. Tại Nhật Bản, quốc gia được nhiều du khách yêu thích, từng hào hứng chào đón lượng lớn du khách nhân dịp Thế vận hội mùa hè. Nhưng mọi thứ đều bị hoãn. Đến nay, chính phủ vẫn chưa công bố kế hoạch mở cửa lại du lịch quốc tế và mới bắt đầu cho phép tái nhập cảnh với một số đối tượng người nước ngoài.
Bali, Indonesia lên kế hoạch mở lại vào 9/11. Điều này sẽ cho phép họ đón lượng khách lớn đến từ Trung Quốc, khi người dân nước này bắt đầu kỳ nghỉ Tuần lễ vàng từ đầu tháng 10. Nhưng kế hoạch đó đã bị gác lại khi các trường hợp Covid-19 tiếp tục gia tăng trong nước.
Trước Covid-19, Trung Quốc là thị trường có lượng người đi du lịch quốc tế lớn nhất thế giới, với 150 triệu lượt vào năm 2018. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, quốc gia này chiếm 277 tỷ USD hay 16% trong tổng số 1,7 nghìn tỷ USD chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới.
Sau dịch, họ không ra nước ngoài mà chủ yếu du lịch nội địa. Công ty phân tích du lịch Forward Keys dự đoán hàng không quốc nội Trung Quốc phục hồi hoàn toàn vào đầu tháng 9, nhờ việc người dân đi du lịch trong nước. Báo cáo chỉ ra trong tuần thứ hai của tháng 8, lượng khách nội địa đến các sân bay đạt 86% so với năm 2019. Lượng đặt chỗ (vé máy bay đã xuất) đạt 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Các điểm đến quốc tế sẽ không được hưởng lợi từ thị trường khách này cho đến năm 2022.
Hiện tại, Singapore đi tiên phong ở Đông Nam Á trong việc dần nới lỏng biên giới. Chính phủ thiết lập các lộ trình dành cho khách công tác ngắn hạn, cho phép du khách từ một số quốc gia cụ thể miễn kiểm dịch. Nhưng dù vậy, đảo quốc sư tử vẫn khẳng định việc đón khách ồ ạt như trước dịch khó có thể xảy ra cho đến quý 2 năm sau.
Maldives, đảo quốc nằm ở Nam Á, là một trong những trường hợp hiếm hoi đang chào đón du khách đến từ mọi quốc gia khi mở cửa lại từ 15/7. Du khách chỉ được phép đến các đảo nghỉ dưỡng, và họ cần ở lại nơi lưu trú toàn thời gian. Ban đầu, chính phủ không yêu cầu khách đến phải có giấy xét nghiệm chứng nhận âm tính nCoV. Đến 11/9, chính phủ thay đổi quy định do các ca nhiễm bệnh gia tăng.
Theo vnexpress