Chiều 16.9, tại TP.Hội An (Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với tổ chức UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của 200 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, các nhà hoạt động du lịch, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế cũng góp mặt và là diễn giả chính thức tại diễn đàn.
|
Làng rau Trà Quế (TP.Hội An, Quảng Nam) là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của miền Trung
|
Hoạt động này là một trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam – Điểm đến Du lịch xanh” và hướng đến kỷ niệm 23 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, ý niệm về con đường du lịch xanh của Quảng Nam sẽ dần hiện hữu thông qua những nỗ lực của ngành du lịch. Từ vấn đề môi trường, rác thải trong du lịch đến việc nương tựa vào tài nguyên thiên nhiên biển cả, dòng sông, cánh đồng và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống… sẽ tạo ra bầu không khí du lịch trong lành, những sản phẩm du lịch khác biệt. Điều đó cũng đã được định lượng một phần bởi Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp
“Như một thách thức hiển nhiên, Du lịch xanh - bền vững sẽ gặp nhiều trở lực, những khó khăn phải đối mặt. Nhưng chúng tôi không bao giờ chồn chân mỏi gối. Đứng lại, đồng nghĩa với tụt lùi cho những giá trị bền vững mà chúng tôi theo đuổi nhiều năm qua. Hội thảo này là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hành động của ngành du lịch Quảng Nam từ “du lịch bền vững - không rác thải nhựa” đến "du lịch xanh" nương tựa nền tảng văn hóa, giá trị đặc trưng Quảng Nam”, ông Thanh nhấn mạnh.
“Mỗi người dân phải là một đại sứ”
Ông Douglas Hainsworth, chuyên gia Dự án du lịch bền vững Thụy Sĩ, cho rằng tài nguyên văn hóa đặc trưng của Quảng Nam đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của du lịch xanh. Chính nguồn tài nguyên phong phú và nổi bật của Quảng Nam là nền tảng để cung cấp dịch vụ du lịch, và đây cũng là chìa khóa thành công của ngành du lịch Quảng Nam.
|
Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh
|
Những thành công đó đã giúp tăng trưởng kinh tế và đầu tư đáng kể và tạo việc làm, cơ hội nâng cao thu nhập trong khu vực phi chính thức, đưa Quảng Nam trở thành một điểm đến “không thể bỏ qua” ở Việt Nam. Đặc biệt, góp phần tăng thêm chất lượng tổng thể và khẳng định hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Douglas Hainsworth cũng nêu ra những thách thức và cơ hội bị bỏ lỡ.
Cụ thể, đó là sự đông đúc quá mức tại các địa điểm quan trọng nhất và dễ tiếp cận nhất. Tăng trưởng nhanh, vượt quá so với quy hoạch kỹ lưỡng dẫn đến các vấn đề như phát triển không đồng bộ, quản lý rác thải. Cơ hội thu lợi nhuận nhanh chóng, nhưng sản phẩm và dịch vụ chất lượng thấp, không khác biệt dẫn tới giảm chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa và trải nghiệm của du khách...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết du lịch xanh sẽ là xu hướng lựa chọn tất yếu của nhân loại, đề cao ý thức con người trong bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa và quán triệt tinh thần phát triển du lịch xanh trong từng đề án phát triển du lịch, từng doanh nghiệp, sản phẩm cụ thể.
|
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại hội thảo
|
Theo ông Tân, ngành du lịch tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh ở các cơ sở kinh doanh du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Quảng Nam cần thêm những sản phẩm du lịch xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh mang lại giá trị đích thực. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 10 – 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu.
“Từng người đứng đầu các cấp, cơ quan doanh nghiệp và mỗi người dân đều phải là một đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh, thực hiện tốt tiêu chí du lịch xanh để đón khách du lịch. Với bề dày lịch sử, đặc trưng của văn hóa Quảng Nam, các hoạt động phải được thiết lập trên nền tảng văn hoá du lịch nương tựa, bảo tồn phát huy văn hoá đặc trưng, chú trọng giảm áp lực cho di sản và giữ gìn, tái tạo môi trường sống”, ông Tân nói.
Theo Thanh niên