ep uong ruou anh 1

Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung hình phạt đối với các hành vi như lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc hay bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Điểm b, khoản 2, Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11. Ảnh:Getty.

ep uong ruou anh 2

Văn hóa bia rượu không chỉ có ở Việt Nam, mà còn phổ biến tại nhiều quốc gia khác. Trong đó, việc lôi kéo, khuyến khích thậm chí ép buộc người khác sử dụng rượu bia, "hết mình" trên bàn nhậu bị chỉ trích, lên án ở nhiều nơi. Thế nhưng, không phải quốc gia nào cũng có lệnh cấm hay quy định xử phạt rõ ràng đối với những hành vi này. Ảnh:Getty.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2018, Đảng vì Dân chủ và Hòa bình (PDP) từng tìm cách đưa ra một dự luật để phân loại việc ép buộc người khác uống rượu bia là "hành động bạo lực". "Việc ép buộc người khác uống rượu vẫn còn phổ biến trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng điều này vi phạm quyền cá nhân. Một hành động như vậy không nên được dung túng", một quan chức PDP nói. Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa một dự luật hay quy định cụ thể nào về vấn đề này được thông qua. Ảnh:tvN.

ep uong ruou anh 3

Hành vi ép rượu phổ biến trong môi trường làm việc ở xứ kim chi, thường gắn với việc bắt nạt nhân viên, lạm dụng quyền lực. Đây được coi là hành vi quấy rối và có thể bị trừng phạt theo luật chống bắt nạt tại nơi làm việc có hiệu lực từ năm 2019. Luật này định nghĩa rằng bắt nạt tại nơi làm việc là gây ra đau khổ về thể chất hoặc tinh thần, làm xấu đi môi trường làm việc khi người sử dụng lao động hoặc người lao động dùng địa vị, quyền lực của họ, hành động vượt quá phạm vi công việc phù hợp. Ảnh:Washington Post.

ep uong ruou anh 4

Văn hóa bàn rượu chốn công sở "nomikai" là nét đặc trưng ở Nhật Bản song cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân xứ sở hoa anh đào. Các tiệc rượu trở thành nơi xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên nhưng cũng trở thành cái cớ để mọi người ép nhau uống đến mức say khướt. "Nomikai" kéo theo nhiều hậu quả như tai nạn giao thông, quấy rối, bắt nạt và đặc biệt là "đại dịch rojo-ne" - người say rượu bạ đâu ngủ đó từ đường phố, tàu điện ngầm cho đến vỉa hè, công viên. Ảnh:Pawel Jaszczuk.

ep uong ruou anh 5

Vì văn hóa "nomikai", nhiều người cảm thấy khó từ chối khi được người khác mời, thậm chí ép uống rượu. Không có quy định cụ thể đối với hành vi lôi kéo, thúc ép người khác trên bàn nhậu ở Nhật Bản. Tuy nhiên, luật pháp và một số công ty có quy định trừng phạt cấp trên buộc cấp dưới làm những việc không liên quan đến công việc, để ngăn chặn tình trạng pawa-hara (lạm dụng, quấy rối quyền lực). Ảnh:Getty.

ep uong ruou anh 6

Trong trường hợp người bị ép buộc sử dụng rượu bia chưa đến 18 tuổi, luật pháp nhiều nước có quy định xử phạt rõ ràng hơn. Một người mẹ ở bang Kentucky (Mỹ) đã bị tuyên án 20 năm tù vì trừng phạt con gái 14 tuổi bằng cách "ép cô bé uống quá nhiều rượu". Một người mẹ khác tại Limpopo (Nam Phi) cũng đã bị bắt vào hồi tháng 7 vừa qua và có nguy cơ đối mặt với án phạt nặng vì để con trai tuổi teen sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy. Ảnh:veggie.

Theo Zing