|
|
Anh Dipak Subedi đang khóc bên quan tài của cha mình ở Kathmandu. Cha của Dipak, ông Dom Prasad Subedi, đã tự sát ở UAE. |
Chồng của Pawan Kumari đã đến Kuwait làm việc 9 tháng và thi thoảng anh Rajiv Kumar Ray cũng gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con. Trong những lúc trò chuyện với nhau qua điện thoại, hai vợ chồng thường nói về tương lai, về việc sẽ trả hết nợ và sẽ cho 2 con trai đi học ở một ngôi trường tốt hơn.
Nhưng vào một ngày tháng Giêng, khi đang bận giặt quần áo nên lúc chồng gọi về Pawan Kumari không nghe được và đó là cuộc gọi cuối cùng của anh.
Những ngày sau đó, Pawan Kumari sống trong chờ đợi nhưng vô vọng. Rồi một ngày, Pawan Kumari nhận được một tin nhắn của một đồng nghiệp Rajiv, người này cho biết rằng Rajiv đã tự sát.
“Làm sao tôi có thể giải thích bằng lời về sự mất mát mà tôi phải đối mặt? Chúng tôi đã mất trụ cột gia đình. Thật tàn khốc” - Pawan nói khi đang ngồi bên ngoài ngôi nhà nghèo nàn của mình ở quận Sarlahi, trên vùng đồng bằng phía nam của Nepal.
Mỗi năm có khoảng 1.000 lao động nhập cư từ Nepal chết ở nước ngoài, phần lớn ở vùng Vịnh và Malaysia. Trong khi phần lớn những cái chết của người lao động nhập cư thường do tai nạn tại nơi làm việc và do suy tim thì những người Nepal làm việc ở nước ngoài lại chết vì tự tử rất cao, gần 12%.
Các chuyên gia cho biết, thời gian dài xa gia đình, nợ nần, điều kiện làm việc bị ngược đãi, chỗ ở không vệ sinh, sự cô đơn và thiếu các dịch vụ hỗ trợ xã hội... là những yếu tố khiến người lao động dễ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và có ý định tự tử.
|
|
Pawan Kumari cùng các con trai |
Tiến sĩ Pashupati Mahat, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Tư vấn và Sức khỏe Tâm thần ở Nepal, cho biết việc kiểm tra sức khỏe tâm thần nên là một việc bắt buộc trong quá trình kiểm tra trước khi người lao động rời đi. Ông nói: “Chính phủ các nước nên đảm bảo sức khỏe tinh thần của người di cư vẫn ổn trước khi cấp giấy phép lao động".
Trong các cuộc phỏng vấn với gia đình của hàng chục công nhân nhập cư đã tự sát, các chuyên gia cho biết phần lớn liên quan đến như một cú sốc nào đó và thường họ ít khi cho gia đình biết ý định tự tử của mình.
Thông tin chi tiết về cái chết thường được truyền lại qua đồng nghiệp nên điều này khiến nhiều gia đình bối rối, hoang mang. Nhiều người không tin sự thật, họ không chắc chồng - cha của mình tự kết liễu đời mình hay chết bằng cách khác. Điển hình như Pawan Kumari, cô cho biết là không hiểu tại sao chồng lại tự kết liễu đời mình.
Khi Rajiv rời Nepal, anh đã phải gánh một khoản nợ lớn. Quyết tâm đến Kuwait làm việc, Rajiv nợ công ty môi giới khoảng 5.000 USD. Nhưng khi đến miền đất hứa, tháng đầu tiên Rajiv không có việc làm, anh lai phải mượn tiền thêm để chi tiêu. Khi bắt đầu làm việc, anh chỉ nhận được 80 dinar Kuwait (gần 300 USD) một tháng, ít hơn nhiều so với những gì đã được hứa trong hợp đồng. Sau đó, công ty bắt đầu thực hiện các khoản khấu trừ lương mà Rajiv không hiểu từ đâu.
“Nếu công ty không trừ tiền, tôi không nghĩ anh ấy lại tự tử. Tôi nghĩ đó là lỗi của công ty” - Pawan đau đớn chia sẻ. “Tôi vẫn ngạc nhiên tại sao anh ấy lại làm vậy. Tôi biết anh ấy bị áp lực vì chúng tôi không thể trả khoản vay, nhưng anh ấy đã không đề cập rõ ràng bất cứ điều gì với tôi. Sau khi chồng qua đời, tôi thậm chí không thể nghĩ về tương lai vì tôi vẫn chưa chấp nhận những gì đã xảy ra. Tôi cũng nghĩ đến cái chết nhưng ai lại muốn để con mình bơ vơ?”.
Theo phụ nữ TPHCM