Người xin việc tham dự hội chợ việc làm tại Nam Kinh

Người xin việc tham dự hội chợ việc làm tại Nam Kinh,

Trào lưu trong công sở

Khi nhóm sinh viên thế hệ Gen Z tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm vào năm 2022 thì cũng là lúc trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều bài viết than phiền về cơ quan và quản lý, châm ngòi cho sự bùng nổ văn hoá công sở.

Vào tháng 2 năm 2022, hashtag #Thế_hệ_sau_2000_chấn_chỉnh_chốn_công_sở đã thu hút hơn 14,8 triệu lượt xem trên Weibo, nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Hashtag này mô tả sự trái ngược giữa hai thế hệ người Trung Quốc – nhân viên thuộc Gen Y sẵn sàng chịu đựng giờ làm việc dài với mức lương không tương xứng và nhân viên thuộc Gen Z muốn lật đổ hệ thống cũ đó xuống.

Người quản lý thì vào hashtag để kêu ca về những nhân viên không chịu làm thêm đến một phút ngoài giờ. Còn nhân viên Gen Z thì dùng hashtag để ghi lại những cuộc đối thoại với quản lý. Trong những cuộc đối thoại này, đa số nhân viên Gen Z chống đối lại những gì người khác muốn họ làm và họ đã thắng.

Lianhe Zaobao, một tờ nhật báo Singapore cho biết hashtag này rất có thể bùng nổ từ một bài đăng vô danh trên mạng xã hội. Người đăng tự nhận là thành viên thuộc Gen Z và kết luận rằng nhân viên thế hệ 8x chịu thương chịu khó, nhân viên thế hệ 9x giả vờ chăm chỉ làm việc, chỉ có nhân viên sinh sau năm 2000 là đang chấn chỉnh chốn công sở.

Meng Ling cho biết sau khi tốt nghiệp và tìm việc vào năm 22 tuổi, cô đồng ý đi làm với một mức lương và trách nhiệm công việc theo thoả thuận tại một công ty ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, vào ngày lĩnh lương đầu tiên, cô bất ngờ khi thấy lương của mình bị cắt mất hàng nghìn tệ.

“Quản lý của tôi nói tôi không đủ kỹ năng để nhận mức lương đó cho dù tôi đã làm đủ mọi trách nhiệm như đã thoả thuận khi phỏng vấn. Họ cũng không ký hợp đồng với tôi trong khi đồng nghiệp tôi đều có hợp đồng”, cô kể.

Nhân viên Alipay làm việc tại văn phòng ở Thượng Hải

Nhân viên Alipay làm việc tại văn phòng ở Thượng Hải.

Meng Ling đã thuê luật sư, cung cấp bằng chứng và buộc công ty bồi thường cho cô 16.000 CNY (gần 53 triệu đồng). Sau đó cô đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng với hashtag #Thế_hệ_sau_2000_chấn_chỉnh_chốn_công_sở.

Trong một bài phỏng vấn với Sixth Tone, Erica, một nhân viên 22 tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông cho biết cô từng làm việc tại Alibaba và đã phản đối chống lại văn hoá làm việc ở đó bằng cách từ chối làm thêm giờ.

“Họ muốn tôi đi làm về muộn chỉ vì bộ mặt của công ty. Văn hoá ở đây là nếu sếp chưa về thì bạn cũng chưa về. Chúng tôi đang cho người khác thấy như thế nào mới là cuộc sống đi làm lý tưởng. Nếu điều kiện quá tiêu cực, chúng tôi không phải chấp nhận gì hết”, cô cho biết.

Xung đột cách nhìn mới - cũ

Những gì đang diễn ra với giới trẻ Trung Quốc là một bức tranh tương phản so với văn hoá của các thế hệ trước vốn là văn hoá làm việc “9-9-6”. Tức là nhân viên đi làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Văn hoá làm việc này được Jack Ma, người sáng lập ra Alibaba, khuyến khích và gọi việc đi làm 72 tiếng mỗi tuần là một đặc ân. Mặc dù chính phủ quy định giờ làm việc không được quá 8 tiếng một ngày, nhưng do văn hoá 9-9-6, giờ làm việc kéo dài lại trở thành điều thường thấy và được kỳ vọng từ nhân viên.

Ngược lại, nhiều quản lý và sếp cũng lên mạng để than phiền về nhân viên thế hệ mới. Yun Xi’er, quản lý nhân sự tại Trịnh Châu cho biết anh đã từng trực tiếp trải nghiệm những đợt “chấn chỉnh công sở” của Gen Z. Trước đó, công ty không trả bảo hiểm y tế cho nhân viên mới dù pháp luật bắt buộc. Khi công ty tuyển dụng nhân viên Gen Z, nhiều người đã thách thức lại chính sách của công ty và bắt buộc công ty phải trả bảo hiểm cho tất cả nhân viên. Yun Xi’er công nhận rằng đây là một thay đổi tốt nhưng anh lại không hâm mộ thái độ của Gen Z.

“Họ có thể rất xấc xược và không tôn trọng đồng nghiệp và quản lý, ví dụ như nói át tiếng người khác. Chúng ta không thể lấy lý do chấn chỉnh để trở thành những con người thô lỗ. Gen Z có thể thấy đúng đắn ngay lúc đó nhưng theo kinh nghiệm của tôi, họ có thể làm tốt hơn”, anh cho biết.

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải.

Trong một số trường hợp, nhân viên Gen Z có vẻ thích cảm giác giáo điều người khác. Một nhân viên Gen Z đã xúc phạm sếp cũ và chia sẻ lại cuộc hội thoại trên nền tảng mạng xã hội Tiểu Hồng Thư.

Nhiều người cho rằng Gen Z có thể phản nghịch hơn các thế hệ trước vì họ không phải trả giá nhiều. Trong một chương trình trò chuyện vào tháng 10 vừa qua, tham luận viên Xi Rui cho rằng đây chỉ là một trào lưu “giả”.

Rui cho biết đồng nghiệp Gen Z của anh bỏ việc rất dứt khoát vì vị đồng nghiệp này có thể về nhà và tiếp quản nhà hàng của gia đình. Đây là điều không tưởng đối với các thế hệ trước vốn sinh ra và lớn lên trong nghèo khó. Nhưng điều này cũng có nghĩa là Gen Z không thực sự chống lại hệ thống công sở. Họ được hưởng lợi từ nền kinh tế phát triển siêu hạng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây và tận hưởng sự tự do và sung túc chỉ có trong mơ của các thế hệ trước.

Wang Kan, giáo sư Đại học Lao động Xã hội cho biết, “Khi nền kinh tế phát triển, lương hưu tăng và khả năng rơi vào đói nghèo giảm. Cha mẹ cũng không gây áp lực quá nhiều về việc làm với con cái. Nhiều cha mẹ ở các thành phố lớn còn cảm thấy nếu không hạnh phúc, con họ luôn có thể quay về với mái ấm gia đình.”

Nhờ có hậu thuẫn, Gen Z có được cái nhìn mới về công việc và yêu cầu công việc phù hợp với nhu cầu của họ hơn. Theo một báo cáo năm 2022, nhân viên sinh sau năm 2000 thường coi trọng công việc nào làm họ thấy bản thân có giá trị và coi đó là tiêu chí chọn việc chính.

“Các thế hệ trước cũng cố gắng chấn chỉnh nơi làm việc nên đây không phải là ý tưởng mới. Trọng tâm của các thế hệ trước là quyền của người lao động và điều kiện làm việc. Còn thế hệ mới thách thức hệ thống phân quyền, văn hoá làm việc kỳ lạ và coi trọng giá trị của bản thân”, Wang Kan cho biết.

Một điểm khác biệt nữa là các trào lưu giờ được lưu hành trên mạng và thu hút được nhiều ý kiến hơn trong khi các thế hệ trước tổ chức đình công và không phải tin nào cũng được đăng. Wang cho rằng, cũng giống các thế hệ trước, khi Gen Z già đi, họ sẽ không còn thái độ như khi còn trẻ vì họ sẽ có nhiều điều để mất hơn như vợ chồng, con cái, nhà cửa.

Nhưng không có nghĩa là cuộc đấu tranh của Gen Z là vô ích. Cuộc đấu tranh của thế hệ 8x và 9x đã cải thiện đáng kể điều kiện lao động như bắt công ty ký hợp đồng chính thức và cho phép người lao động đưa các tranh chấp lao động ra toà. Gen Z cũng đang tạo ra tiến triển cho người lao động khi chính phủ Trung Quốc đã phải mạnh tay chấm dứt văn hoá 9-9-6.

“Điều kiện làm việc thay đổi nhờ áp lực đến từ thế hệ nhân viên trẻ. Doanh nghiệp biết rằng nếu họ không lắng nghe, hiệu suất sẽ giảm và họ sẽ mất lợi thế”, Wang Kan nói.

Theo thoidai