Trong phim Bố già, ông Sang luôn suy nghĩ cho người thân và gia đình trước khi nghĩ cho bản thân và tình thương luôn đong đầy dù cách thể hiện bảo thủ, cố chấp. Ngược lại, con ông là Quắn điển hình cho thế hệ trẻ năng động, sống cho bản thân nhiều hơn. Dù rất yêu thương cha, Quắn đã không còn “dạ, vâng” vô điều kiện mà có những lý lẽ, thậm chí những lời nói trái ngược quan niệm về sự lễ phép truyền thống ngày trước.

leftcenterrightdel
 Phim Lật mặt 7 thể hiện một khía cạnh chân thật của đời sống gia đình hiện đại khi người già cô đơn giữa những người thân - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Với sự cởi mở của xã hội, vấn đề giới tính cũng được khai thác nhiều. Thực tế, đây vẫn là nỗi trăn trở của gia đình truyền thống châu Á bởi những quan niệm ăn sâu vào tiềm thức bao đời nay, dẫn đến không ít xung đột lẫn bi kịch. Trong phim Cái giá của hạnh phúc, khi bà Lan gần như sụp đổ khi phát hiện con mình đồng tính, những biến cố trong gia đình cùng đó đã làm bà gục ngã, chìm trong nỗi đau không lối thoát. Nhưng trong phim Mai thì một nhân vật đồng tính nữ đã được mẹ chấp nhận, tôn trọng và có cuộc sống lành mạnh, có ích. Tương tự, hình ảnh những người mẹ đơn thân độc lập bươn chải cũng xuất hiện ngày càng nhiều và nhận được sự cảm thông, trân trọng như trong phim Mai, Hai Phượng, Nắng…

Một “đề tài của thời đại” nữa là những người già cô đơn kể cả khi con đàn cháu đống. Cuộc sống đầy áp lực cơm áo gạo tiền đã mài mòn nhiều giá trị sống, kể cả tình thân gia đình. Phim Lật mặt 7 đã chỉ ra những nỗi niềm, khó khăn của từng thành viên trong gia đình để có cái nhìn thấu cảm, sẻ chia hơn. Họ cần dừng lại một chút trong hành trình cuộc sống để củng cố mối quan hệ trong gia đình, nhất là chăm sóc cha mẹ - những người không còn nhiều thời gian ở bên cạnh con cháu.

Nhiều tác phẩm phim ảnh đã vẽ ra bức tranh gia đình thời hiện đại với nhận thức, định nghĩa về gia đình, về hạnh phúc đã thay đổi nhiều. Mối quan hệ gia đình hiện nay lỏng lẻo hơn, nhiều mâu thuẫn hơn. Nhưng trong các bộ phim cũng luôn cho thấy sợi dây hàn gắn mọi tổn thương vẫn là tình cảm gia đình, là những giá trị nền tảng, cốt lõi của gia đình Việt. Khi không thể dung hòa được quan niệm sống của 2 thế hệ thì những “người lớn” phải chấp nhận lối sống mới của giới trẻ và dần thích nghi với những thay đổi đó. Ngược lại, người trẻ, bên cạnh lối sống, ứng xử của thế hệ mình thì vẫn luôn còn đó tình cảm gắn kết, yêu thương cho gia đình.

Nhìn lại, phim Việt thời gian qua đã thể hiện chủ đề về gia đình rất tốt; khai thác đúng trọng tâm về thực trạng những vấn đề thời đại, đi vào tâm lý và chiều sâu nội tâm con người với từng phận người và hoàn cảnh cụ thể. Từ đó, phim giúp nhận ra hệ quy chiếu giữa cái truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới, điều cần giữ và điều cần thay đổi.

Theo phụ nữ TPHCM