Khi Eunice Wang, 25 tuổi, được nhận vào làm cố vấn chiến lược tại một công ty dược phẩm ở Bắc Kinh. Với công việc này, cô đã rất vui sướng vì giấc mơ bấy lâu đã thành hiện thực. Eunice Wang đã không ngừng nỗ lực suốt 6 năm, từ ngày tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học đến ngày hoàn thành việc học và lấy bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ, để biến giấc mơ này thành hiện thực.
Thế nhưng cô chỉ mất có ba tháng để từ bỏ tất cả. Sáu tháng trước, Wang đã về quê để làm pha cà phê. Wang từng tưởng tượng về công việc văn phòng của một cố vấn. Trong tưởng tượng của cô, công việc đó “cực kỳ sáng tạo”, cô kỳ vọng được cộng tác với các đồng nghiệp và lãnh đạo. Thế nhưng, sự thật lại không như cô mong đợi.
“Tôi chẳng có thời gian để nói chuyện với ai vì công việc quá nặng nề”, cô kể. Một ngày của cô dùng để lập trang chiếu, viết báo cáo rồi dịch ra tiếng Anh. Nhiều người cho đây là việc “cần ít trí não”.
Wang kể: “Tôi nhìn lại và nhận ra công việc là do bố mẹ tôi chọn, người khác bảo tôi vào ngành này sẽ có tương lai sáng lạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ công việc này có hợp với tôi không. Nhìn đơn xin việc thì đẹp mắt đấy nhưng liệu tôi có thích không?”.
|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Getty Images).
|
Loretta Liu cũng từng tốt nghiệp loại ưu và trở thành một nhà thiết kế hình ảnh. Nhưng sau đó cô quyết định nghỉ việc để làm nghề cắt tỉa lông cho vật nuôi với mức lương chỉ bằng 1/5 mức lương trước đó. Trước khi nghỉ, cô cũng đã tiết kiệm được hơn 355 triệu đồng và phải cắt xén chi tiêu đi rất nhiều. Thế nhưng Liu nói mọi thứ đều xứng đáng vì sức khoẻ tâm thần.
Nhiều người trẻ tuổi khác cũng đang nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc văn phòng của họ. Một hastag có tên “trải nghiệm lao động tay chân lần đầu” đã thu hút 30,3 triệu lượt xem trên nền tảng xã hội Tiểu Hồng Thư. Những công việc được chia sẻ không phải là những việc nặng mà là những việc như mở bán sạp đồ ăn, nhân viên phục vụ và nhân viên vệ sinh, nhìn chung là mọi nghề không cần phải ngồi văn phòng.
“Trên mạng có rất nhiều người trẻ thảo luận về vấn đề này và chia sẻ cách họ thoát khỏi những công việc văn phòng vì họ thấy không thỏa mãn”, Jia Miao, phó giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải cho biết.
Theo Wu, càng ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đi làm việc văn phòng và được gọi là “tiểu bạch lĩnh” (cổ cồn trắng nhỏ). Từ ‘nhỏ’ ở đây không chỉ dùng để chỉ tuổi tác mà còn để chỉ vị trí và vai trò của họ. Khi Trung Quốc chuyển từ nước nông nghiệp sang công nghiệp, từ đồng ruộng sang nhà máy, nhiều công việc không cần sáng tạo hoặc tự chủ và người lao động chỉ cần lặp đi lặp lại cùng một việc ở một vị trí cụ thể.
Dường như hiện tượng tương tự đang xảy ra khi kinh tế Trung Quốc phát triển hơn. Nhiều người trẻ tuổi thất vọng khi đi làm vì công ty không thuê họ để làm việc mà thuê họ để điều khiển máy tính trên bàn. Khi đi kèm theo đó là môi trường có tính cạnh tranh cao và văn hóa làm việc “996” (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) cực nhọc đã khiến nhiều người trẻ tuổi mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần.
Dù vậy, nhiều người trẻ tuổi vẫn tiếp tục cố gắng thỏa mãn kỳ vọng truyền thống như đi học đại học và có một công việc văn phòng đáng kính “tốt đẹp”.
“Có người bảo tôi là nếu bạn hi sinh thời gian cá nhân, nếu bạn nỗ lực hết mình và nghỉ muộn, cuối cùng bạn sẽ trở thành tinh anh và được ngưỡng mộ. Như thể nếu tôi không có một ‘công việc thực sự’ thì cố gắng trước đó đều vô nghĩa. Nỗi sợ lớn nhất là tôi sẽ trở thành kẻ thất bại”, Wang kể.
Qua những hiện tượng như “quiet quitting” (âm thầm nghỉ việc) và “bare minimum Mondays” (thứ Hai thảnh thơi), chúng ta có thể thấy người trẻ tuổi trên khắp thế giới gần đây đang tự hỏi lại bản thân về ý nghĩa của công việc.
Theo Miao, quá trình chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của đất nước là nguyên nhân gây ra sự thay đổi đột ngột về giá trị công việc. Khi nền tảng kinh tế và GDP đạt đến một trình độ nhất định, thế hệ trẻ muốn có tự do cá nhân.
Định nghĩa mới về thành công?
Người làm văn phòng bị cuốn hút vào “việc tay chân nhẹ nhàng” với viễn cảnh “tự do hơn và linh hoạt hơn” trong lịch trình làm việc, đổi lại, họ sẽ có ít thu nhập và an toàn công việc hơn.
“Đương nhiên tôi sẽ không khuyên ai bỏ việc họ đang làm đi cả. Đôi khi tôi cũng nghĩ lại về ưu thế của mình, tôi có thể theo đuổi ý tưởng của mình vì có bố mẹ thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không có quá nhiều lo âu về tài chính”, Eunice Wang, cô gái đã bỏ việc cố vấn chiến lược để pha cà phê kể thêm.
Khi còn làm việc văn phòng, Wang kiếm được 12.000 nhân dân tệ (hơn 39 triệu đồng). Sau khi bỏ việc làm pha chế, thu nhập của cô chỉ còn một phần tư nhưng cô được bố mẹ hỗ trợ thêm “chút ít”. Bù lại, cô được khám phá bản thân và có nhiều trải nghiệm không thể có khi ngồi văn phòng.
“Nhiều người có thể nói tại sao bạn mất nhiều năm để học đại học rồi đi pha cà phê, cái việc những người tốt nghiệp cấp hai hoặc tiểu học cũng có thể làm? Tư tưởng Trung Quốc truyền thống là nếu bạn không nỗ lực học đại học, bạn sẽ chỉ có thể làm phục vụ hoặc vệ sinh. Nhưng những công việc này không hề đơn giản và đáng được tôn trọng, tại sao nhiều nghề lại bị coi thường hơn các nghề khác?” Wang nói.
Nhờ công việc pha cà phê, Wang đã có kỹ năng giao tiếp tốt hơn và thấy thực sự thỏa mãn, cảm giác cô không thể có được khi làm công việc cũ.
“Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng bây giờ tôi rất vui khi đi làm”, cô vừa cười vừa nói.
Theo thoidai