leftcenterrightdel
 Cô Wang đã từ bỏ công việc văn phòng tại một công ty dược phẩm để trở thành một nhân viên pha chế cà phê (Ảnh: SCMP)

Eunice Wang tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học, và sau đó hoàn thành bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ. Cô đã làm việc tại một công ty về dược phẩm Trung Quốc chi nhánh tại Mỹ trong 3 tháng, và rồi rời bỏ công việc này để trở về quê nhà.

Cô Wang tâm sự: “Tôi nghĩ rằng mình có thể ở lại Mỹ một năm, nhưng rồi tôi thấy thà tự sát còn hơn vì công việc văn phòng buồn chán”.

Wang trở về quê hương ở miền bắc Trung Quốc để làm nhân viên pha chế 6 tháng trước. Việc chuyển từ công việc văn phòng sang một công việc "lao động nhẹ" đang trở nên phổ biến ở giới trẻ nước này.

Những công việc như vậy bao gồm làm quản lý tại một nhà hàng thức ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp - bất cứ việc gì ngoại trừ việc ngồi trong văn phòng.

Bà Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết: “Có rất nhiều cuộc thảo luận trực tuyến nơi những người trẻ tuổi chia sẻ về việc họ đã thoát khỏi công việc văn phòng vì không hài lòng như thế nào".

Một bài báo do Wu Xiaogang giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải ước tính rằng ít nhất một phần tư sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm — và đó là tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục. Thiếu việc làm là khi mọi người đang làm công việc không phản ánh đúng kỹ năng và ngành nghề họ được đào tạo.

“Điều không thể phủ nhận là sau Covid-19, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi… rất nhiều thanh niên thực sự chật vật tìm việc làm. Một số người trong số họ đã chọn tìm một công việc lao động nhẹ để cố gắng tự trang trải cuộc sống”, Miao nói.

Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với những người lao động trẻ như cô Wang, những người đang tham gia vào điều mà các chuyên gia của CNBC gọi là “tự nguyện rút lui” khỏi công việc văn phòng.

Cô Wang tưởng tượng rằng công việc tư vấn tại văn phòng của cô sẽ “thực sự sáng tạo”, mong đợi sự hợp tác với đồng nghiệp và lãnh đạo. Nhưng cô ấy nói rằng thực tế khác xa với điều đó.

“Tôi không có thời gian để giao tiếp với bất kỳ ai vì khối lượng công việc,” cô nói.

Thay vào đó, cô dành cả ngày để soạn thảo các slide, viết báo cáo và dịch chúng sang tiếng Anh - công việc mà Wu mô tả là công việc văn thư đòi hỏi “một chút thử thách trí tuệ”.

Wu cho biết ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học tìm những công việc "lao động nhẹ" để làm.

Bà Jia Miao cho biết: “Khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển và phức tạp hơn, rất nhiều người trẻ có thể cảm thấy thất vọng về công việc của họ vì các công ty không thuê họ để làm việc mà họ tưởng tượng".

Bà Miao cho biết, với sự cạnh tranh cao và văn hóa “996” khắc nghiệt, công việc đã trở nên cạn kiệt về mặt cảm xúc và thể chất đối với những người trẻ tuổi.

Thay đổi giá trị công việc

Những người lao động trẻ trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của công việc trong những năm gần đây, với các phong trào như “nghỉ việc yên lặng” và “Ngày thứ Hai tối thiểu” đang trở nên phổ biến.

Và ở Trung Quốc, có hiện tượng “tang ping” (nghĩa là nằm thẳng), trong đó thanh niên từ chối văn hóa làm việc quá sức và chấp nhận "lười nhác".

Cô Jia Miao cho biết quá trình chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của đất nước là nguyên nhân gây ra “sự thay đổi đáng kể” về giá trị công việc.

“Đối với thế hệ cũ, họ làm việc trong nền kinh tế kế hoạch hóa… nơi mà công việc được kết hợp với tinh thần yêu nước, như vậy công việc của bạn đang đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa mới,” cô nói.

“Nhưng bây giờ, vì chúng ta đã tích lũy được một mức GDP và nền tảng kinh tế nhất định… những người trẻ tuổi muốn cảm nhận chủ nghĩa cá nhân. Họ không tin rằng mục tiêu cuối cùng của họ là đóng góp cho đất nước.”

Khi đã muộn màng, Wang mới nhận ra rằng bản thân cô chưa bao giờ “muốn” theo đuổi chuyên ngành của mình, hay làm một công việc văn phòng.

“Tôi nhìn lại và nhận ra rằng đó là vì bố mẹ bảo tôi chọn nó, mọi người nói với tôi rằng với chuyên ngành này tôi sẽ có một tương lai thực sự, thực sự tuyệt vời,” Wang nói.“Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về việc liệu công việc đó có phù hợp với mình hay không - trong sơ yếu lý lịch thì có vẻ ổn, nhưng liệu tôi có thích công việc này không?”

Một định nghĩa mới về thành công?

Wu cho biết sự hấp dẫn của “công việc lao động nhẹ” đối với những người lao động trẻ đến từ sự "tự do và linh hoạt" trong lịch trình làm việc – và sự đánh đổi là thu nhập và đảm bảo công việc ít hơn.

“Tôi sẽ không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm điều này… Đôi khi tôi suy nghĩ về đặc quyền của mình, rằng tôi chỉ có thể theo đuổi điều này vì bố mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không phải lo lắng về tài chính,” Wang thêm.

Cô kiếm được khoảng 12.000 nhân dân tệ Trung Quốc (1.700 USD) mỗi tháng từ công việc văn phòng của mình. Là một nhân viên pha chế, cô ấy kiếm được một phần tư số đó và nhận được "một chút" hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.

Nhưng điều "vô giá" mà Wang nhận lại được là sự khám phá bản thân mà Wang nói rằng cô ấy đã có thể trải nghiệm sau khi rời bỏ công việc văn phòng của mình.

“Mọi người có thể nói, bạn mất nhiều thời gian để học xong bằng thạc sĩ và cuối cùng lại phải đi phục vụ cà phê? Một công việc mà những người chỉ học hết cấp hai hoặc tiểu học có thể làm được?” cô ấy nói.

“Suy nghĩ truyền thống của người Trung Quốc là: Nếu bạn không học đại học, nếu bạn không nỗ lực trong quá trình xin việc, thì cuối cùng bạn sẽ trở thành một cô hầu bàn, nhân viên quét dọn trên đường phố”.

Nhưng Wang cho biết cô dần nhận ra rằng những công việc đó không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Ví dụ, trở thành một nhân viên pha cà phê không chỉ cho phép cô ấy học các kỹ năng pha cà phê mà còn giúp cô ấy vượt qua nỗi sợ hãi khi bắt chuyện với mọi người.

Wang cho biết giờ đây cô tìm thấy sự hài lòng trong công việc mà cô không thể tìm thấy ở công việc trước đây, cho dù đó là nghệ thuật pha cà phê hay nhìn thấy những khách hàng hài lòng.

“Nói ra thì buồn cười, nhưng bây giờ được đi làm khiến tôi thấy vui", Wang chia sẻ.

“Tôi thực sự buồn về việc rời bỏ công việc văn phòng của mình bởi vì trong suốt những năm qua, tôi đã thực sự cố gắng để phù hợp với khuôn mẫu. Nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ có thể trở thành người mà xã hội mong muốn.”

Theo viettimes