Giới trẻ Trung Quốc nghỉ việc, về nhà 'làm con toàn thời gian'
Cập nhật lúc 15:15, Thứ ba, 29/08/2023 (GMT+7)
Đầu năm nay, Zhang Jiayi, 31 tuổi, sống tại Hàng Châu (Trung Quốc) quyết định kết thúc công việc kinh doanh và trở thành "con gái toàn thời gian".
|
|
Zhang Jiayi vui vẻ với cuộc sống cùng bố mẹ. (Nguồn: ABC News) |
Zhang dành cả ngày trong vai trò mới, đó là chăm sóc những mong muốn và đáp ứng nhu cầu của cha mẹ. Đổi lại, họ sẽ trả cô mức lương hàng tháng là 8.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.600 USD).
Cô chia sẻ: "Sau khi thức dậy, tôi đi tập thể dục buổi sáng với bố mẹ. Bố mẹ tôi thích đi du lịch nên tôi lên kế hoạch và hỗ trợ họ sử dụng các thiết bị điện tử”.
Làm "người con toàn tâm toàn ý"
Zhang không phải là thanh niên Trung Quốc duy nhất coi việc chăm sóc cha mẹ là công việc toàn thời gian.
Trên các nền tảng mạng xã hội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngày càng có nhiều người trẻ công khai chia sẻ kinh nghiệm về trải nghiệm "làm con toàn thời gian".
Những người này được trả tiền chỉ để... làm con của cha mẹ. Công việc của họ thường là đi mua sắm, nấu ăn và lau dọn nhà cửa.
Trang mạng xã hội Douban của Trung Quốc có nhóm thảo luận mang tên "Trung tâm trao đổi việc làm cho làm con toàn thời gian". Nhóm có hơn 4.000 thành viên.
Một người dùng trang mạng trên cho biết: "Không tìm được việc làm là điều bình thường khi nền kinh tế khó khăn. Đây không phải là vấn đề của riêng chúng tôi mà là vấn đề của toàn xã hội".
"Tôi thích nấu ăn và tôi nấu bữa trưa, bữa tối cho gia đình. Cha mẹ cho tôi tiền mà không can thiệp cuộc sống của tôi. Mỗi ngày, tôi đều rất vui vẻ”, một người khác chia sẻ.
Còn Widty Shang, 23 tuổi, từng theo học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Năm ngoái, anh nhận được lời mời làm việc của một công ty quốc tế, có chi nhánh ở Trung Quốc trước khi tốt nghiệp Đại học.
Thế nhưng, anh lại chọn trở thành “con trai toàn tâm toàn ý”. Anh mong muốn dành thời gian để chăm sóc người bà ốm yếu.
Shang từng làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 5 ngày mỗi tuần.
Anh chia sẻ: "Công việc chỉ là phương tiện để sống chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Bố mẹ rất vui khi tôi nghỉ việc và hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Họ không mong đợi tôi kiếm tiền để nuôi gia đình hay thành công. Họ chỉ muốn con trai họ khỏe mạnh và hạnh phúc".
|
|
Thị trường lao động của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. (Nguồn: China Daily) |
Nguy cơ mất động lực?
Xu Chenggang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thể chế Trung Quốc tại Đại học Stanford cho biết, kể từ khi chính phủ chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid-19 vào tháng 12/2023, nền kinh tế Trung Quốc đã không phục hồi như mong đợi. Điều này đang ảnh hưởng đến thị trường việc làm.
Dữ liệu gần đây nhất từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023.
Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc áp dụng chính sách “cải cách và mở cửa” và nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng. Kể từ đó, giới trẻ Trung Quốc rất nhiệt tình làm việc hoặc kinh doanh và tin rằng điều đó giúp họ thay đổi cuộc sống và thăng tiến trong xã hội.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế hàng năm của Trung Quốc đạt trung bình 9,5% từ năm 1979 đến năm 2018.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức của giới trẻ về công việc đã thay đổi. Quyết định trở thành "những đứa con toàn thời gian" hay phong trào "nằm yên" (lối sống chỉ nằm một chỗ mà không làm việc và lao động) của nhiều người trẻ là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế và xã hội Trung Quốc đang thay đổi.
Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều hệ lụy nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.
Chu Hồng, Giáo sư Marketing và thương mại điện tử tại Đại học Nam Kinh nhận định, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19, bởi vậy tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống trong tương lai gần.
GS. Chu Hồng lo ngại: "Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi trở lại, liệu những người con 'toàn thời gian' này, sau khi đã rời xa công việc cũng như đời sống xã hội bên ngoài quá lâu, có bị mất động lực quay trở lại thị trường lao động hay không?"
Theo baoquocte