leftcenterrightdel
 Biển báo thoát hiểm hiện tại(trái)và ảnh minh họa biển báo thoát hiểm mới(phải).

Theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, biển báo thoát hiểm có màu xanh lá cây, in hình một người được cho là nam giới. Loại biển báo này đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) thông qua năm 1987 và chính thức đưa vào sử dụng tại Hàn Quốc từ năm 1992, The Korea Times đưa tin.

Thế nhưng, cuộc tranh cãi đã nổ ra hôm 12/1 sau khi một số hãng tin địa phương dẫn lời các quan chức giấu tên của Bộ Nội vụ và An toàn, nói rằng Bộ đang xem xét lắp đặt các biển báo mới, in hình nhân vật nữ có mái tóc dài, ngực và mặc váy. Trước thông tin này, nhiều người lập tức phản đối vì việc gắn phụ nữ với hình ảnh như vậy là lỗi thời và phân biệt giới tính.

Theo các phương tiện truyền thông, biển hiệu mới sẽ được sử dụng song song biển hiệu hiện hành để thể hiện sự đa dạng, vì dư luận đôi khi phàn nàn biển hiệu hiện tại chỉ tượng trưng cho nam giới. 

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng phản bác rằng hình ảnh trên biển báo thoát hiểm đại diện cho một người, không cụ thể là đàn ông. Họ cũng nhấn mạnh sự phân biệt về mặt thị giác đối với phụ nữ đã lỗi thời.

Huh Eun-ah, người từng là phát ngôn viên của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) và gần đây gia nhập đảng mới của cựu lãnh đạo PPP Lee Jun-seok, đã chỉ trích kế hoạch này “lãng phí tiền của người đóng thuế”.

“Chính phủ không được ‘đùa giỡn’ với tiền thuế của người dân. Không ai nghĩ biển báo thoát hiểm thể hiện rằng chỉ có nam giới mới nên sơ tán trong trường hợp khẩn cấp”, Huh viết trên trang Facebook cá nhân.

Đáp lại chỉ trích của dư luận, Bộ Nội vụ và An toàn cùng Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia (NFA) - cơ quan chịu trách nhiệm lắp đặt, bảo trì biển báo khẩn cấp - đã tuyên bố: “Chưa có quyết định cụ thể”.

Họ cho biết hình minh họa có một người phụ nữ, được một số phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, không phải kế hoạch dự thảo do chính phủ đề xuất, đồng thời lưu ý các biển hiệu mới sẽ chỉ được chọn sau khi thu thập ý kiến từ chuyên gia và công chúng.

Họ cũng xoa dịu mọi lo ngại xung quanh việc sử dụng tiền công bằng cách khẳng định biển hiệu mới dù được thông qua cũng không thay thế biển hiệu hiện có, mà được sử dụng trong các công trình lắp đặt mới.

Nỗ lực tương tự đã được thực hiện ở quốc gia khác.

Chẳng hạn, vào năm 2020, thành phố Geneva (Thụy Sĩ) đã sử dụng hình ảnh cách điệu của một người phụ nữ trên 250 biển báo dành cho người đi bộ nhằm tạo sự đa dạng và bình đẳng giới. Nhân vật nữ có sáu phiên bản khác nhau, bao gồm một phụ nữ đang mang thai, một phụ nữ lớn tuổi, một phụ nữ để kiểu tóc afro và hai người phụ nữ nắm tay nhau.

Theo lifestyle.zingnews