leftcenterrightdel
 Chính quyền đặc khu cần phải phá bỏ rào cản nếu muốn giành lại vị thế trung tâm tài chính hàng đầu châu Á
 

Ngày 23/9, thông báo dỡ bỏ quy định cách ly tại khách sạn đối với người nhập cảnh là tin vui với ngành du lịch tại xứ Cảng Thơm.

Theo kế hoạch "0+3" có hiệu lực vào ngày 26/9, những người đến Hong Kong chỉ cần theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nhà nhưng không được tiếp cận các khu vực có nguy cơ lây lan cao như nhà hàng, trung tâm mua sắm và quán bar trong thời gian này.

Du khách tới đây cũng sẽ không còn phải nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính 48 giờ trước khi lên máy bay. Thay vào đó, họ sẽ được phép làm xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành.

Pang Yiu-kai, Chủ tịch Ủy ban Du lịch Hong Kong, cho rằng động thái này sẽ thu hút đối tượng doanh nhân, nhóm khách gia đình và người dân trở lại xứ Cảng Thơm.

Thế nhưng, để phục hồi ngành công nghiệp không khói, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều hạn chế và khó khăn.

Theo Jing Daily, mặc dù mối quan tâm liên quan đến du lịch đã tăng trên Expedia, sự hào hứng của du khách quốc tế vẫn còn thấp thông qua các chỉ số về việc đặt vé máy bay đến đây chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Ngược lại, số lượt tìm kiếm chuyến bay từ Hong Kong đến các quốc gia khác lại tăng mạnh. Cụ thể, lượng đặt vé đến Tokyo tăng 650% vào chiều 23/9 so với tuần trước. Trong khi các khảo sát phương tiện đến Đài Loan tăng gấp 12 lần trong cùng thời điểm.

Dữ liệu tìm kiếm chỗ ở tại xứ Cảng Thơm cũng vượt hơn 50% vào cuối tuần so với 7 ngày trước. Sự thích thú của du khách với Hong Kong được đánh giá vẫn còn trầm lắng nếu đặt lên bàn cân với Anh, Canada, Mỹ.

leftcenterrightdel
Hong Kong cần phải cố gắng nhiều hơn để thu hút du khách nước ngoài và cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Ảnh:SCMP
 

Chính sách Zero Covid-19 phần nào khiến thành phố này mất đi vị trí là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á do nguồn nhân tài rời đi và các hoạt động kinh doanh bị tạm hoãn.

Trước tín hiệu của ngành du lịch, các nhà bán lẻ Hong Kong không bị động chờ đợi những người mua sắm quốc tế quay trở lại và giúp họ phục hồi doanh thu. Họ có giải pháp riêng để kích thích tiêu dùng nội địa bằng cách tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật, mở rộng chương trình giảm giá.

Trung tâm mua sắm Harbour City của Tsim Sha Tsui, nơi nổi tiếng với du khách Trung Quốc, đã mở hơn 70 cửa hàng trong 3 quý đầu năm 2022, bao gồm cả một thương hiệu hàng đầu của Dior và dự kiến có tổng cộng 100 quầy vào cuối năm nay.

Trong khi đó, K11 Musea của New World Group đã ghi nhận mức tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng, nếu muốn giành lại vị thế của mình như một điểm đến kinh doanh và du lịch hàng đầu, chính quyền đặc khu sẽ cần phải điều chỉnh các quy định hơn nữa, đặc biệt là khi những thành phố khác trong khu vực cũng làm như vậy.

Theo zingnews