Theo The Paper, sự việc diễn ra tại quận Tân Tân (thành phố Thành Đô, Trung Quốc). Một người đàn ông họ Zhang có mặt tại hiện trường giới thiệu là bạn thân của chú rể cho biết đoạn video được quay trong hôn lễ sáng 12/9.
Sau lễ rước dâu, nhóm bạn đã tụ tập lại và tìm trò chơi vui vẻ để náo hôn. "Đám cưới thời nay quá im lặng và trang trọng. Chúng tôi muốn giúp cô dâu chú rể lưu giữ kỷ niệm đặc biệt trong ngày vui nên mới làm vậy", Zhang nói.
Những bạn bè có mặt tại hôn lễ hôm đó đều tham gia ném bột và trứng vào người chú rể, song họ đảm bảo không làm ai bị thương. Biết sẽ để lại rác bẩn nên nhóm bạn đã gọi đội vệ sinh môi trường từ trước.
"Chúng tôi thuê một xe xịt nước vệ sinh giá 600 tệ và gửi phong bao lì xì cho mỗi công nhân vệ sinh", Zhang nói thêm.
Hình ảnh chú rể bị bạn bè ném trứng và bột trong ngày cưới.
Phóng viên cũng liên hệ với cô dâu, chú rể để để xác nhận sự việc. Đôi trẻ cho biết sau khi video trong đám cưới lan truyền trên mạng, họ cảm thấy áp lực khi nhận quá nhiều ý kiến trái chiều, bị nhiều người chửi bới là có "hành vi thô tục", "phán cảm".
Tuy nhiên, một công nhân môi trường tham gia dọn dẹp trong ngày hôm đó phản ánh rằng đội có 5 người, mỗi người chỉ nhận được phong bao 2 nhân dân tệ. Phía bạn bè chú rể cũng chỉ trả 300 tệ cho vòi phun vệ sinh chứ không phải như con số họ đưa ra.
Công nhân môi trường này nói thêm đội vệ sinh đã gặp 3 trường hợp náo hôn tương tự trong năm nay.
"Lần đầu tiên là vào tháng 5, họ trói chú rể lên cây rồi ném bột và trứng. Lần thứ 2 là họ đưa nhau vào công viên, đám khách mời ném bột vào chúng tôi khi bị ngăn cản. Lần này là vụ thứ 3.
Trò đùa của họ khiến công việc của chúng tôi thêm vất vả, vệ sinh đống chất bẩn đó mất nhiều thời gian. Mất tới nửa tiếng để xịt rửa, khi đám bột và trứng dính vào cỏ còn khó làm sạch hơn".
Dẹp bỏ hủ tục
Náo hôn (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, gây nên nỗi ám ảnh cho không ít cô dâu trong ngày đám cưới, theo What's On Weibo.
Năm 2016, bức ảnh cô dâu, chú rể bị trói lên cây trong một đám cưới ở Hồ Bắc từng gây nên cuộc tranh luận gay gắt về việc xóa bỏ hủ tục náo hôn.
Náo hôn được coi là hủ tục đám cưới cần được dẹp bỏ ở Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát của Xinlang Entertainment, hơn 78% cư dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ.
Theo CCTV, tục náo hôn không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này.
Jiang Yuxiang, giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói rằng trò chơi trong hôn lễ như trên không phải phong tục truyền thống. "Nếu có ai đó nói rằng nó là phong tục truyền thống thì cũng là một phong tục thô tục, cần phải dừng lại".
Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể".
"Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", Hu nói.
Tháng 4 năm nay, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chỉ định 15 khu vực thí điểm để cải cách tục lệ hôn nhân ở nước này, bao gồm quận Vũ Hầu của Thành Đô.
Quy định yêu cầu tập trung vào cải cách hủ tục kết hôn, tích cực tu dưỡng và thực hành các giá trị cốt lõi, ủng hộ việc hình thành một định hướng giá trị hôn nhân và gia đình đúng đắn trong toàn xã hội.
Một số địa phương cũng ban hành quy định cụ thể nhằm dẹp bỏ hành vi thiếu văn hóa trong đám cưới như cưỡng hôn, ôm hay lăng mạ cô dâu, chú rể.
Ngày 17/3, Văn phòng Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần, Liên đoàn Phụ nữ thành phố Zouping, Cục Công an thành phố và Cục Nội vụ Châu Bình (Sơn Đông) đã phối hợp ban hành tuyên bố nhằm ngăn chặn tục náo hôn.
Các hành vi bị cấm bao gồm: Ép cô dâu và chú rể cởi quần áo; Bắt chú rể cùng đoàn nhà trai mặc các trang phục chứa ký hiệu không đứng đắn; Cưỡng hôn, ôm, lăng mạ, quấy rối cô dâu và các phù dâu bằng những hình thức khác nhau; Bôi bẩn lễ vật và cô dâu, chú rể; Quấy rối hôn lễ.
Quy định cũng cấm những người tham gia hôn lễ yêu cầu cô dâu, chú rể thực hiện những hành động khiếm nhã, đồi bại. Các hành vi quay lén, cắt ghép, dàn dựng clip trong hôn lễ đăng lên mạng nhằm mục đích trục lợi, thu hút sự chú ý cũng bị cấm.
Theo Zing