Kênh truyền hình đầu tiên trên thế giới của người khuyết tật
Cập nhật lúc 15:03, Thứ tư, 20/11/2024 (GMT+7)
Gần đây, Na Uy đã giới thiệu TV BRA - kênh truyền hình đầu tiên trên thế giới do những người khuyết tật học tập điều hành.
|
|
Phóng viên Petter Bjørkmo của TV BRA - Nguồn ảnh: TV BRA |
Kênh TV BRA - có nghĩa là “TV Good” - là nơi những người tự kỷ và những người khuyết tật học tập đưa tin về nhiều chủ đề như thời sự, giải trí và thể thao. Hằng tuần, TV BRA sẽ phát sóng trên ứng dụng, trang web của kênh và nền tảng phát trực tuyến phổ biến của Na Uy TV2 Play. Chương trình được biên tập đặc biệt cho khán giả, được trình bày với tốc độ chậm hơn và bằng tiếng Na Uy giản thể để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút từ 4.000 đến 5.000 người xem mỗi tuần.
Kênh TV BRA gồm 10 phóng viên làm việc từ nhiều nơi ở Na Uy để đưa tin tức địa phương đến cộng đồng. Phóng viên Emily Ann Riedel - người mắc hội chứng Down - cho biết: “Tôi phải tuân theo kịch bản và không nói về chuyện cá nhân, vì đó là tin tức. Khi làm việc ở đây, tôi phải thực sự chuyên nghiệp”.
Anne-Britt Ekerhovd - một người xem có khuyết tật về học tập - nhận xét: “Những người dẫn chương trình ở TV BRA giải thích mọi thứ rất hay”.
Biên tập viên quản lý Camilla Kvalheim - người đã nhen nhóm ý tưởng về TV BRA từ cách đây hơn 1 thập niên khi chuyển từ giảng dạy tại một viện dưỡng lão dành cho những người khuyết tật học tập sang làm phim - cung cấp cho các phóng viên TV BRA chương trình đào tạo thiết yếu. Cô nhận thấy rằng khi cô cầm máy quay, mối quan hệ giữa cô và các cộng sự đã thay đổi. “Khi chúng tôi cùng làm việc trong những bộ phim, chúng tôi trở thành đoàn làm phim, chúng tôi trở thành một đội. Tôi không phải là người vượt trội hơn họ - chúng tôi ngang hàng với nhau” - cô nói.
Ở Na Uy và nhiều nơi khác, những người khuyết tật học tập phải đối mặt với các vấn đề như tỉ lệ việc làm thấp, khả năng tiếp cận nhà ở và hỗ trợ hạn chế. TV BRA đang phá vỡ các rào cản, không chỉ trao quyền cho các phóng viên mà còn nâng cao nhận thức về những thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt.
Theo phụ nữ TPHCM