Ngày 5/10, nhà thiết kế Pháp gốc Nhật Kenzo Takada qua đời vì Covid-19, sau khi show Xuân Hè 2021 của thương hiệu tại Paris Fashion Week kết thúc. Trên Instagram, đại diện thương hiệu Kenzo đăng ảnh ông kèm ghi chú: "Trong nửa thế kỷ, Takada là một nhân vật tiêu biểu trong ngành thời trang - luôn truyền sức sáng tạo và màu sắc cho thế giới". Ảnh: Instagram Kenzo.
Kenzo Takada sinh ngày 27/2/1939, là một trong bảy người con trong gia đình trung lưu ở Himeji, Nhật Bản. Takada bắt đầu quan tâm đến thiết kế khi đọc tạp chí thời trang của chị gái. Ban đầu, ông theo học Văn học tại Đại học Kobe do cha mẹ phản đối theo ngành thời trang. Tuy nhiên, sau đó, ông bỏ học, nộp đơn vào Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo, trở thành một trong những sinh viên nam đầu tiên. Năm 1960, ông giành được giải thưởng do Soen - tạp chí thời trang danh tiếng của Nhật Bản - trao tặng. Ông khởi nghiệp bằng công việc thiết kế quần áo trẻ em gái cho cửa hàng bách hóa Sanai. Trong ảnh là Takada bên mẹ. Ảnh: SCMP.

 

Bước ngoặt cuộc đời của Takada đến khi chính quyền chuẩn bị Thế vận hội Tokyo năm 1964, họ cho san bằng khu căn hộ nơi ông sinh sống và bồi thường 10 tháng tiền thuê nhà. Takada quyết định dùng tiền đó để đi nước ngoài. Ông lên đường sang Paris bằng tàu thủy, từ thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản) đến Marseille (Pháp), mất gần hai tháng.

Ông nói trên SCMP: "Giáo viên bảo tôi hãy đi bằng tàu thủy để có thể nhìn thấy nhiều nơi khác nhau. Tôi bắt đầu ở Hong Kong, sau đó là Singapore, Sài Gòn, Colombo, Bombay, Djibouti, Ai Cập, Tây Ban Nha, Marseille và cuối cùng là Paris. Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài nên mọi thứ đều mới mẻ với tôi". Chuyến đi vòng quanh thế giới đã truyền cảm hứng cho các bộ sưu tập của ông sau này. Trong hình, Kenzo khi mới đến Paris. Ảnh: Kenzo Takada/CNN.

 

Đến Paris vào những ngày đông lạnh giá, Takada gặp nhiều khó khăn. Không có tiền, ông sống trong một căn phòng nhỏ với giá 9 franc một ngày, phải dùng chung nhà tắm. "Tôi đơn độc và bắt đầu lo sợ mình không thể làm việc ở đây. Sau đó, tôi bắt đầu học tiếng Pháp tại Alliance Fran#aise. Bốn tháng sau, mùa xuân đến, các quán cà phê mở cửa trở lại, tôi thấy yêu Paris và quyết định ở lại", ông nói trên SMCP.

Dù theo học ngành thiết kế và từng làm việc cho một cửa hàng thời trang ở Tokyo, Takada chưa bao giờ nghĩ trở thành nhà thiết kế ở kinh đô thời trang thế giới. Ông cảm thấy không đủ giỏi để thành công ở Paris. Ban đầu, ông bán bản phác thảo cho các nhà thiết kế như Louis Feraud. Năm 1970, ông tự thành lập một cửa hàng trong khu vui chơi Galerie Vivienne. Lấy cảm hứng từ những bức tranh rừng rậm của Henri Rousseau, Takada vẽ lên tường đầy những bông hoa dại và đặt tên cửa hàng là Jungle Jap. Trong ảnh là nhà thiết kế trong cửa hàng Jungle Jap ở Paris vào đầu những năm 1970. Ảnh: SCMP.

 

Bộ sưu tập đầu tiên của Takada được làm hoàn toàn bằng vải bông do không có đủ tiền đầu tư chất liệu. Phong cách của ông là sử dụng màu sắc sặc sỡ, các họa tiết xung đột và lấy cảm hứng từ chuyến đi từ Nhật Bản đến Paris của ông. Loạt sản phẩm nhanh chóng hết hàng, thu hút chú ý của những người yêu thời trang Paris. Một thời gian sau, các thiết kế ngoại cỡ, giải phóng hình thể, ống tay rộng và không có khóa kéo của ông xuất hiện trên trang bìa Elle, trong tạp chí Vogue của Mỹ. Bernard Arnault - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH - cho biết trên The New York Times: “Từ những năm 1970, Kenzo Takada đã đưa vào thời trang một giai điệu nhẹ nhàng thơ mộng và sự tự do ngọt ngào, truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế sau ông”. Trong ảnh là bản phác thảo của Takada từ năm 1972. Ảnh: SCMP.

 

Những năm 1970, công việc kinh doanh phát triển, đưa ông trở thành nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Ông nói trên SMCP: "Tôi nghĩ thật vô nghĩa nếu làm những gì các nhà thiết kế Pháp đang làm, bởi tôi không thể nào làm được như họ. Vì vậy, tôi đi theo cách riêng và trở thành khác biệt".

Ông sử dụng vải kimono và những thứ mình yêu thích. Sau show diễn đầu tiên năm 1971, các biên tập viên thời trang quốc tế bắt đầu quan tâm đến ông. Olivier Gabet, giám đốc Musée des Arts Décoratifs, nói trên The New York Times: "Buổi trình diễn thời trang đầu tiên của anh ấy thật đáng nhớ. Nhẹ nhàng và vui tươi, các người mẫu nhảy múa nhiều hơn là trình diễn quần áo, khác xa với thời trang cao cấp Pháp".

Ảnh Kenzo Takada hôn tay nữ diễn viên người Italy Gina Lollobrigida sau khi cô trao cho ông danh hiệu "Một trong 10 người đàn ông lịch lãm nhất thế giới" ở Rome, Italy ngày 16/12/1977. Ảnh: AP.
Cuối những năm 1970 và thập niên 1980 là thời kỳ đỉnh cao của Takada. Năm 1978 - 1979, Takada tổ chức các buổi biểu diễn trong lều xiếc, tự mình cưỡi voi trong khi những người mẫu của ông mặc đồng phục xuyên thấu và cưỡi ngựa. Năm 1983, ông ra mắt dòng thời trang nam. Năm 1986, ông giới thiệu dòng quần jeans và năm 1998 trình làng mẫu nước hoa.

Takada (đeo kính) trong buổi giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 1998 ở Paris. Ảnh: AFP.

 

Năm 1990, Kenzo Takada rơi vào tình trạng khó khăn khi bạn đời Xavier qua đời, đối tác kinh doanh người Nhật bị đột quỵ và ngừng làm việc. Ông quyết định bán công ty cho LVMH - tập đoàn thời trang của Pháp - với giá khoảng 80 triệu USD. "Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy mình không thể tự làm được việc và nghĩ một công ty lớn như vậy có thể giải quyết mọi việc cho thương hiệu của mình". Takada ở lại hãng thêm vài năm. Năm 1999, khi bước sang tuổi 60, ông quyết định nghỉ hưu. Ông dành hai năm đi vòng quanh thế giới, thường xuyên ghé thăm Nhật Bản và các quốc gia châu Á. Ông còn mua một căn nhà trên bãi biển ở hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket của Thái Lan.

Nhà thiết kế đứng giữa các người mẫu khi ông cảm ơn khán giả theo dõi bộ sưu tập cuối cùng của mình tại Zenith vào ngày 7/10/1999. Ảnh: AFP.

 

Các người mẫu trình diễn tại show thời trang cuối cùng của Takada vào năm 1999. Ảnh: SCMP.

 

Gần 20 năm trở lại đây, ông cống hiến cho ngành thời trang theo nhiều cách khác nhau. Ông thiết kế trang phục cho các vở opera ở Paris và khắp nơi trên thế giới. Ông sáng tạo đồng phục Olympic cho đội Nhật Bản năm 2004. Kenzo cho ra đời hai loại nước hoa cùng Avon, hợp tác với nhà sản xuất kính mắt Nhật Bản Masunaga, trình làng loạt kính. Ông cũng vẽ tranh và tổ chức triển lãm ở Paris và Moscow.

Thương hiệu do ông sáng lập do Humberto Leon và Carol Lim điều hành, nhưng Takada vẫn tham dự các show. Ông nói trên tờ SMCP năm ngoái: "Mọi thứ đã thay đổi, từ cách chúng tôi may quần áo đến quảng bá và số lượng các mùa có trong năm". Ảnh Takada tạo dáng trong xưởng gác xép của mình ở Paris ngày 24/3/2009. Ảnh: AFP.
Takada trước các tác phẩm của ông tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở Buenos Aires ngày 7/4/2009.

 

Takada khẳng định phong cách sống và thời trang của ông là sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Trên The New York Times, ông nói: "Tôi đã ở Paris 55 năm, nhưng tôi vẫn coi mình là người Nhật 100%. Khi trở lại Nhật Bản, tôi cảm thấy như ở nhà và quay về Paris, cảm giác cũng như vậy". Jonathan Bouchet Manheim - đối tác của Takada - nhận xét: "Anh ấy đã tưởng tượng ra một câu chuyện đầy màu sắc và nghệ thuật, kết hợp Đông và Tây - quê hương Nhật Bản và cuộc sống của anh ấy ở Paris".

Theo vnexpress