Phương Châm, 40 tuổi, sống tại Hà Nội, vừa có chuyến đi tới Seoul từ ngày 21/2 đến 24/2. Chị cho biết, trước khi khởi hành, rất nhiều bạn bè, người thân khuyên hủy chuyến đi vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do đi du lịch kết hợp dự đám cưới em gái và làm việc, chị cùng 5 người thân vẫn lên đường.
Ở Seoul 2 ngày đầu tiên, chị Châm thấy mọi hoạt động trong thành phố vẫn diễn ra bình thường. Người dân đeo khẩu trang khi ra đường và nơi công cộng đều có nước rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên tới ngày 23, 24/2, thông tin về dịch bệnh ở Daegu xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, người dân ở Seoul bắt đầu tránh tập trung đông đúc.
Trong những ngày này, chị rất lo lắng khi số người bệnh ở vùng dịch Hàn Quốc tăng nhanh chóng. Đặc biệt, khi tham quan trong tòa nhà Lotte, người cô cùng đoàn đi qua máy kiểm tra thì phát hiện nhiệt độ cơ thể tăng. "Rất may đó là do cô mặc nhiều áo ấm và có thể bị tiền đình vì đi thang máy nhiều. Một lúc sau khi ngồi nghỉ, nhiệt độ của cô đã trở về mức bình thường", chị kể.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe, cả gia đình chị Châm đều đeo khẩu trang khi ra đường, xịt sát khuẩn sau khi đi chơi và đặt chuyến bay về nước sớm hơn dự kiến.
|
Tờ khai y tế mà mỗi du khách được phát trước khi nhập cảnh Hàn Quốc. Ảnh:Phương Châm. |
"Trước khi về, tôi lo lắng sẽ bị cấm vào Việt Nam. Tuy nhiên sau khi điền thông tin vào tờ khai y tế và kiểm tra thân nhiệt, gia đình tôi được nhập cảnh", chị nói. Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, chị Châm nhắc nhở các thành viên thay quần áo, gội đầu trước khi về nhà. Đồ đạc như vali, giày dép đều phải vệ sinh và xịt dung dịch diệt khuẩn.
Ngày về, chị Châm tự cách ly 14 ngày tại nhà riêng. Suốt thời gian này, công việc đều được xử lý qua máy tính và chồng chị là người gửi thức ăn tới. Hàng ngày, ngoài tự theo dõi nhiệt độ cơ thể, chị ăn đủ bữa, nhiều trái cây, thực phẩm bổ dưỡng, bổ sung vitamin C. Chị cho biết, từ khi về nước, chị không thấy cơ thể có vấn đề bất thường và tinh thần cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên nếu có triệu chứng đáng ngờ, chị chắc chắn sẽ đi kiểm tra sức khỏe và chấp hành đầy đủ những yêu cầu của chính quyền địa phương.
Chị Châm cho hay, việc tự cách ly sau khi trở về từ các quốc gia có dịch là rất cần thiết, để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, du khách không nên du lịch Hàn Quốc vào lúc này. "Tôi rất vui vì mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức cao về dịch bệnh. Con gái út 5 tuổi của tôi gọi điện và nhắc mẹ cách ly để đảm bảo sức khỏe. Cô bé còn nói sẽ không ôm tôi", chị kể.
Giống với chị Châm, Thùy An (TP HCM) cũng quyết định tự cách ly sau khi về nước ngày 23/2. An cho biết, cô sang Hàn Quốc khi các ca nhiễm nCoV ở đây chưa bùng phát. Ngày 22/2, đường sá Seoul vắng tanh, ít người qua lại. Khi cô vào một quán ăn của người Việt, chủ nhà hàng cho biết lượng khách đến ngày càng ít do dịch bệnh.
Trong những ngày ở xứ sở kim chi, An rất lo lắng. Điều cô gái trẻ sợ nhất là bị cô lập. Cô sợ đi ăn không tiệm nào nhận khách, không thể quay về Việt Nam, phải sống một mình nơi đất khách quê người. An cũng sợ mình "chẳng may" bị nhiễm bệnh, lây cho cộng đồng, bị cách ly...
Chính vì không muốn những nỗi sợ thành hiện thực, An ý thức rất rõ việc bảo vệ bản thân trong những ngày cuối ở Seoul. Cô ở khách sạn cả ngày, trừ những lúc đi ăn. Ra ngoài, An đeo khẩu trang kín mít, đeo găng tay cao su dùng một lần mang từ Việt Nam sang. "Tôi xịt diệt khuẩn khắp người, xịt lên chân tay và mọi đồ vật mà mình chạm vào. Tôi hạn chế tiếp xúc với người dân tối đa", An kể.
Ngoài ra, nữ du khách này còn tránh sử dụng phương tiện công cộng. Khi cần đến nơi nào cách khách sạn khoảng 1,5 - 2 km, cô sẽ đi bộ thay vì đi xe như trước đây.
Khi lên máy bay về nước, An bớt lo lắng hơn. Cô xác định nếu bị cách ly thì sẽ chấp thuận theo hướng dẫn, để bảo vệ cộng đồng. "Tôi chỉ hoảng hốt vào lúc làm thủ tục xuất cảnh xong thì đọc được tin tức có 123 người nhiễm bệnh và 4 người chết ở Hàn Quốc. Khi về đến Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh xong thì đọc thêm hơn 50 trường hợp nhiễm mới nữa. Thật kinh khủng!", cô nhớ lại.
Về Việt Nam, sức khỏe ổn định, An vẫn tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh: đeo găng tay dùng một lần nơi công cộng, rửa tay với xà phòng. Cô cũng đeo khẩu trang khi đi từ sân bay về nhà, chủ động sử dụng bình xịt để khử trùng và tránh nói chuyện, tiếp xúc với mọi người.
An đang tự cách ly 14 ngày ở nhà. Vali, giày dép được khử trùng bằng cồn sau đó phơi nắng. Cô cũng nhờ người thân mua nhiều đồ ăn, các loại vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng. Hàng ngày, An đều đặn uống nhiều nước, đo nhiệt độ hai lần và luôn cập nhật tình trạng sức khỏe trên ứng dụng điện thoại. Đây là ứng dụng khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, chính quyền sở tại yêu cầu cô tải về vì có liên kết với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
"Tôi vẫn trong quá trình tự cách ly và theo dõi nhiệt độ. Nếu có biểu hiện sốt mà không đỡ, tôi sẽ đi bệnh viện ngay lập tức chứ không tự uống thuốc ở nhà. Chúng ta đều là người trưởng thành, nên có ý thức bảo vệ cộng đồng để cùng nhau vượt qua dịch bệnh này", cô chia sẻ.
Theo
vnexpress