leftcenterrightdel
 Ai-Da, nghệ sỹ robot hình người siêu thực đầu tiên

Bạn đang lướt Instagram và bắt gặp hình ảnh một người mẫu cực kỳ ấn tượng. Cô ấy không chỉ xuất hiện trên tạp chí Vogue mà còn tham gia chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu nổi tiếng như Balmain và Ellesse. Cô ấy là Shudu, người mẫu trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới. Shudu bước chân vào làng thời trang cách đây 7 năm, được lấy cảm hứng từ ca sĩ Grace Jones, siêu mẫu Alek Wek, Duckie Thot (top 3 Australia's Next Top Model 2013) và búp bê Barbie phiên bản "Công chúa Nam Phi".

leftcenterrightdel
Người mẫu ảo Shudu 

Sự phát triển của AI đã tạo nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, trong đó có sự gia tăng đáng kể của các sản phẩm AI mang đặc điểm nữ giới. Ngoài Shudu, còn có những AI nổi tiếng khác như Lu do Magalu, đến từ Brazil, với hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội; hay Lil Miquela, nhân vật có hơn 2,5 triệu lượt theo dõi trên Instagram và được giới thiệu với đầy đủ thông tin, đặc điểm như người thật.

Gần đây, cuộc thi "Hoa hậu AI" đầu tiên trên thế giới đã diễn ra với chiến thắng thuộc về Kenza Layli, nhân vật ảo có sức ảnh hưởng về lối sống của Morocco. Hơn 13 năm trước, Siri, trợ lý ảo đầu tiên, đã ra đời với giọng nói nữ, mở đường cho sự phát triển của các trợ lý ảo khác như Alexa của Amazon và Cortana của Microsoft. Cả Alexa và Cortana đều có tên và giọng nói của phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Robot Nadine (trái) và người sáng tạo ra nó, bà Nadia Magnenat Thalmann

Năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh "AI for Good" được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ), sự kiện được miêu tả là cuộc hội tụ robot hình người quy mô nhất, có sự tham gia của Ai-Da, nghệ sĩ robot hình người siêu thực đầu tiên và Grace, robot y tá đầu tiên, cùng với Sophia, Nadine, Mika, thậm chí cả robot "ngôi sao" nhạc rock Desdemona. Điểm chung đáng chú ý là tất cả những robot AI này đều mang hình dáng nữ giới.

Hiệu ứng "phụ nữ tuyệt vời"

Một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm AI thường được thiết kế với đặc tính nữ được cho là do ảnh hưởng của định kiến giới. Từ phương diện lịch sử và văn hóa, có thể thấy phụ nữ thường đảm nhận các vai trò hỗ trợ, chăm sóc và cung cấp dịch vụ. Vì vậy, khi thiết kế các sản phẩm AI, các nhà phát triển có xu hướng lựa chọn hình tượng nữ giới để tạo cảm giác thân thiện và đáng tin cậy, một định kiến được gọi là hiệu ứng "phụ nữ tuyệt vời". Nghiên cứu cũng cho thấy, việc gán các đặc điểm tính nữ cho AI sẽ làm tăng mức độ AI được nhìn nhận là con người.

leftcenterrightdel
 “Influencer” ảo Lu do Magalu

Sự phát triển của công nghệ trợ lý giọng nói là minh chứng cho điều này. Nhiều công ty đã có những quyết định chiến lược khi thiết kế trợ lý ảo, với lập luận rằng các thuộc tính nữ giúp tăng tương tác của người dùng, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những chỉ trích rằng các trợ lý giọng nói nữ có thể củng cố cách nhìn phụ nữ như những người phục vụ, có thể khuyến khích thái độ coi thường phụ nữ.

Saniye Gülser Corat, Giám đốc về bình đẳng giới của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trong một tuyên bố kèm theo báo cáo năm 2019 của UNESCO về trợ lý giọng nói và giới tính, đã cảnh báo: "Những cỗ máy ngoan ngoãn và phục tùng giả vờ làm phụ nữ đang xâm nhập vào nhà, ô tô và văn phòng của chúng ta. Sự phục tùng mang tính hệ thống của chúng ảnh hưởng đến cách mọi người nói chuyện với phụ nữ và mô phỏng cách phụ nữ phản ứng với các yêu cầu và thể hiện bản thân".

Chênh lệch giới trong ngành công nghệ

Sự phổ biến của các sản phẩm AI mang tính nữ có thể bắt nguồn từ động lực giới trong ngành công nghệ. Theo Karl MacDorman, nhà khoa học máy tính kiêm chuyên gia về tương tác giữa người - máy tính tại Đại học Indiana (Mỹ), các nhà thiết kế nam thường có xu hướng tạo ra robot nữ hơn, do họ quan tâm đến người khác giới.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phụ nữ chiếm khoảng 22% chuyên gia AI trên toàn thế giới. Trong ngành công nghệ nói chung, phụ nữ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động trong các vai trò kỹ thuật, theo Trung tâm Quốc gia về Phụ nữ và Công nghệ thông tin. Các nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 18% tác giả tại các hội nghị hàng đầu về AI là nữ trong khi hơn 80% giáo sư về AI là nam giới. Những con số này nhấn mạnh sự chênh lệch giới trong ngành công nghệ, điều góp phần ảnh hưởng đến cách các sản phẩm liên quan đến AI được tạo ra.

Kathleen Richardson, giáo sư về đạo đức và văn hóa về robot và AI tại Đại học De Montfort (Anh), cho rằng việc thiết kế AI mang tính nữ không chỉ dựa trên chức năng mà còn bị ảnh hưởng bởi "nhãn quan nam giới". Khái niệm này, được nhà lý thuyết Laura Mulvey giới thiệu, đề cập đến cách mà các nghệ sĩ nam trong lịch sử mô tả phụ nữ trong nghệ thuật - thường là phục tùng và là đối tượng của sự ham muốn. Richardson lập luận rằng quan điểm này đang được sao chép một cách vô thức trong thiết kế robot, nơi chúng thường được nữ tính hóa quá mức để đáp ứng một mong muốn nhất định, thay vì là công cụ chức năng và trung lập về giới tính.

leftcenterrightdel
Kenza Layli, “hoa hậu trí tuệ nhân tạo” đầu tiên 

Một góc nhìn khác

Tuy nhiên, quyết định để AI mang các đặc điểm nữ cũng có thể đến từ những lý do cá nhân và ảnh hưởng tích cực hơn. Một ví dụ tiêu biểu là robot Nadine, được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Nadine được mô phỏng theo ngoại hình của người sáng tạo ra nó, bà Nadia Magnenat Thalmann.

Lisa Zevi, Giám đốc điều hành của dự án robot nghệ sĩ Ai-Da, đã giải thích về việc lựa chọn ngoại hình nữ cho Ai-Da là một quyết định có chủ đích. Bà chia sẻ: "Tiếng nói của phụ nữ thường rất ít được đại diện trong cả không gian nghệ thuật và công nghệ. Chúng tôi muốn trao tiếng nói cho những nhóm người ít được đại diện đó". Tính cách và ngoại hình của Ai-Da được lấy cảm hứng từ Ada Lovelace, nhà toán học Anh thời Victoria, người được xem là nữ lập trình viên máy tính đầu tiên.

Sự chuyển hướng từ việc thiết kế robot giống trẻ con sang robot mang tính nữ cho thấy một cách tiếp cận tích cực khác. Giáo sư Kathleen Richardson giải thích rằng trước đây, robot thường được tạo hình giống trẻ con nhằm khiến chúng trở nên ít đe dọa hơn và dễ dàng được chấp nhận trong môi trường gia đình. Theo thời gian, xu hướng này đã chuyển sang việc tạo hình nữ cho robot, xuất phát từ những lo lắng về sự gia tăng của công nghệ trong không gian cá nhân. Nỗi sợ phổ biến về việc công nghệ có thể làm mất đi tính nhân văn và sự kết nối cá nhân đã dẫn đến việc thiết kế robot AI mang tính nữ. Những robot này được xem như cách giảm bớt những lo ngại đó, bằng cách tạo ra một hình ảnh thân thiện, gần gũi hơn cho người sử dụng.

Kim Ngọc (Tổng hợp)