Theo CNN, trong một nghiên cứu mới liên quan đến định kiến về cân nặng ở 6 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Đức, Anh và Mỹ, 14.000 thành viên của chương trình giảm cân Weight Watchers đã tham gia khảo sát. Hơn một nửa trong số đó cho biết họ từng phải hứng chịu những lời chê bai về cân nặng từ bác sĩ, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Chuyên gia Rebecca Puhl, người nghiên cứu về định kiến cân nặng suốt 2 thập kỷ, cho rằng sự phổ biến của tình trạng này rất đáng báo động, bởi những yếu tố dẫn đến sự thừa cân thường phức tạp và nằm ngoài tầm kiểm soát cá nhân.
“Xã hội của chúng ta tạo điều kiện cho bệnh béo phì với hàng loạt đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và sự hạn chế vận động. Chúng ta cũng đang ngó lơ những yếu tố khác như di truyền, môi trường, giá thực phẩm hay khả năng tiếp cận lương thực”, Puhl nói.
“Định kiến càng được thúc đẩy bởi niềm tin sai lệch rằng chỉ cần cố gắng, bạn sẽ có được cơ thể mình mong muốn. Điều cốt yếu là sự tôn trọng và đối xử công bằng với những người có hình dáng khác nhau”, bà nhận định thêm.
Sự phân biệt đối xử vì cân nặng là vấn nạn y tế cộng động. Ảnh: NBC News.
Định kiến
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học International Journal of Obesity, 76-88% người được khảo sát bị chế giễu về cân nặng bởi cha mẹ, anh chị em hoặc những người thân khác, nhất là vào thời thơ ấu và niên thiếu.
“Người nhà có thể nói họ mập mạp, có cặp đùi ‘cột đình’ hoặc sẽ không bao giờ có người yêu vì cân nặng đó. Những lời như vậy có ảnh hưởng tâm lý lâu dài”, Puhl cho biết.
Việc bị miệt thị ngoại hình (body shaming) không dừng ở thời thơ ấu. 22-30% người tham gia khảo sát cho biết họ bị bình phẩm về ngoại hình lần đầu lúc khoảng 10 tuổi, nhưng tình trạng này kéo dài tới tận lúc họ trưởng thành.
“Kết quả của nghiên cứu cho thấy môi trường gia đình là vấn đề thường bị bỏ quên khi nói về định kiến với cân nặng. Chúng ta cần chú ý và giúp đỡ các gia đình có những cuộc hội thoại mang tính khích lệ, động viên hơn”, Puhl nhận định.
Nhiều người phải chịu sự chế giễu về cân nặng từ nhỏ tới lớn bởi gia đình. Ảnh: Getty.
Sau gia đình, trường học và nơi làm việc là 2 môi trường tiếp theo trong nấc thang định kiến. 72-81% người tham gia khảo sát cho biết họ từng bị trêu chọc hoặc bắt nạt tại trường học vì cân nặng. 54-62% nói rằng họ từng bị đồng nghiệp đối xử tương tự tại nơi làm việc.
Ngay cả bạn bè cũng có khả năng bộc lộ định kiến về cân nặng của nhau. 49-66% người được khảo sát từng nhận những lời bình phẩm tiêu cực từ bạn mình.
“Mọi người đang phải trải qua định kiến về cân nặng ở nhiều mối quan hệ và bối cảnh khác nhau, có thể tại nơi chăm sóc sức khỏe, nơi làm việc hoặc ở nhà”, Puhl nhận xét.
Không dám đi khám vì mặc cảm
Nghiên cứu cho thấy 63-74% số người được khảo sát ở Australia, Canada, Pháp, Đức, Anh và Mỹ cảm thấy bị coi thường vì cân nặng của họ khi đi khám chữa bệnh.
Ở 6 quốc gia, những người tiếp thu định kiến về ngoại hình và đổ lỗi cho bản thân có xu hướng né tránh việc chăm sóc sức khỏe hơn.
"Họ sẽ ít đi khám định kì vì cho rằng bác sĩ đang đánh giá họ qua cân nặng và không tôn trọng, lắng nghe nhu cầu của họ", Puhl nói.
Định kiến cân nặng khiến nhiều người mặc cảm và ngại đi khám sức khỏe. Ảnh: Yahoo.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy khi mọi người phải chịu định kiến về cân nặng và đổ lỗi cho bản thân, họ sẽ dễ tăng cân hơn.
"Mọi người hay quan niệm rằng lời phê bình hay sự xấu hổ sẽ giúp người khác có động lực giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế, định kiến về cân nặng sẽ góp phần vào các hành vi ăn uống không lành mạnh, giảm hoạt động thể chất, cuối cùng là tăng cân", Puhl giải thích.
Xu hướng đó cũng được thấy trong cả hai nghiên cứu ở tất cả các quốc gia: Mọi người càng đổ lỗi cho bản thân về cân nặng của họ, thì mức tăng cân càng lớn, khiến họ càng tìm đến đồ ăn để đối phó với căng thẳng.
“Những phát hiện này không chỉ cho chúng tôi lý do thuyết phục để giải quyết định kiến về cân nặng trong ngành y tế mà còn giúp mọi người ngưng tự trách vì hình thể của mình”, Puhl chia sẻ.
Thay đổi toàn diện
Sự thay đổi trong thái độ cần bắt đầu tại nhà với những cuộc hội thoại về thói quen lành mạnh mà không làm đứa trẻ cảm thấy bị đánh giá về ngoại hình của mình.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi các bậc cha mẹ chuyển chủ đề từ cân nặng sang sức khỏe, cuộc trò chuyện sẽ hiệu quả hơn”, Puhl cho biết.
Các thiếu niên thường thích được nghe những từ trung tính như “chỉ số BMI” hoặc “cân nặng” thay vì “béo phì” hay “mập mạp”. Tuy nhiên, điều đó cũng phụ thuộc vào sở thích và giới tính.
“Các bạn nữ vẫn có thể cảm thấy căng thẳng dù cha mẹ nói về cân nặng một cách trung tính. Bởi vậy, tốt nhất là không đề cập tới vấn đề đó”, Puhl nói.
Thay đổi thái độ khi nói về cân nặng và sức khỏe giúp cuộc trò chuyện thoải mái hơn. Ảnh: Getty.
Ngoài việc thay đổi thái độ cá nhân về béo phì, chính quyền địa phương, tiểu bang và quốc gia cần đóng góp chống lại định kiến về cân nặng.
“Ở Mỹ, việc phân biệt đối xử với mọi người vì cân nặng là hợp pháp. Bạn chỉ được bảo vệ bởi pháp luật khi sống ở bang Michigan, nơi đã thông qua đạo luật chống kỳ thị cân nặng vào những năm 1970", Puhl cho biết.
Một số thành phố đã thông qua sắc lệnh địa phương và các tiểu bang như Massachusetts đang cố gắng thi hành luật. Tuy vậy, không có quy định chung trên toàn nước Mỹ về việc phân biệt đối xử dựa trên cân nặng. Nhiều người không kiếm được việc làm vì số cân lệch chuẩn.
Tin tốt là trên khắp các bang, công chúng Mỹ đã tích cực ủng hộ thông qua các đạo luật khiến việc phân biệt đối xử dựa trên trọng lượng cơ thể là bất hợp pháp.
Theo Zing