Feng Jiajia (24 tuổi) đang cùng chồng điều hành một công ty giúp việc nhà tại TP Vô Tích (tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc). Việc cặp đôi nỗ lực kiếm sống từ một ngành dịch vụ thường thu hút nhân công phần lớn có trình độ phổ thông và đã vào tuổi trung niên, là điều lâu nay ít thấy.

Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, Feng bất ngờ rẽ hướng sang làm giúp việc nhà vào năm 2022. Thời điểm ấy, người chồng - bấy giờ là bạn trai cô, vốn đã làm dịch vụ dọn dẹp nhà một thời gian - cần cô hỗ trợ. “Sau một lần giúp anh ấy làm việc, tôi quyết định thử sức với nghề giúp việc nhà” - Feng kể. “Nhiều người theo tư tưởng truyền thống cho rằng công việc nấu ăn, dọn nhà thường là của phụ nữ trung niên. Ngược lại, có khá ít lao động trẻ gắn bó với nghề dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa nên tôi đoán, công chúng tò mò vì sao những thanh niên như chúng tôi muốn gia nhập nghề lao động tay chân này” - cô nói.

leftcenterrightdel
 Feng Jiajia lập nghiệp bằng nghề giúp việc nhà - công việc từng không được nhiều người trẻ xem trọng - Nguồn ảnh: CNA

Vợ chồng Feng đại diện cho thế hệ sinh sau năm 2000 - những người trẻ tham gia thị trường lao động vào năm 2022 - ngay khi khủng hoảng đại dịch vừa lắng xuống. Mô tả nổi tiếng về họ là một thế hệ ưa “nằm thẳng” - chỉ làm việc để sống qua ngày, với thái độ có phần hời hợt, thiếu ý chí phấn đấu. Tư duy này nảy sinh từ áp lực lẫn định kiến liên quan đến các ngành nghề trong xã hội. Thanh thiếu niên thường bị thúc ép học tập để tìm công việc lao động trí óc, đem lại đồng lương cao.

Feng lại nghĩ khác: “Mọi người có thể cho rằng thế hệ chúng tôi thích nổi loạn, đấu tranh trước tư tưởng truyền thống. Nhưng thực tế, không ít người trẻ vẫn đang làm việc chăm chỉ, sống tích cực”. “Nếu một số thanh niên chán ghét nhịp sống hối hả ở thành thị, số khác vẫn thích nghi tốt” - cô nói thêm.

Feng và chồng được chú ý trên mạng xã hội, đặc biệt khi họ bắt đầu chia sẻ trải nghiệm lao động mỗi ngày. Câu chuyện của đôi vợ chồng phản ánh cách nhiều người trẻ đang sẵn sàng thoát khỏi tư duy cố hữu liên quan đến vấn đề tìm kiếm công việc, sự nghiệp cho riêng mình.

Tao Yu - phó giáo sư ngành văn hóa Trung Hoa, Đại học Tây Úc - nhận xét: “Người phương Đông nói chung thường tin rằng, nghề lao động tay chân khiến bạn không có quyền tự chủ. Nhưng trên thực tế, giống như trường hợp của Feng, lao động phổ thông cũng cần kỹ năng thích ứng linh hoạt, thậm chí bạn có thể đàm phán trực tiếp với khách hàng. Xu hướng mới này được đón nhận, cho thấy tầng lớp thanh niên hiện nay đã thay đổi cách nhìn về những nghề tay chân thường bị đánh giá thấp trong quá khứ”.

“Nới lỏng quy định đăng ký hộ khẩu cho lao động di cư từ nông thôn lên thành thị là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu nỗi lo thất nghiệp cho người trẻ. Tôi tin việc cải tiến hệ thống đăng ký hộ khẩu, tạo điều kiện để người dân an cư, nhờ đó an tâm tìm việc làm, lập nghiệp sẽ tạo ảnh hưởng tích cực dài lâu. Mặt khác, nên đổi mới tư duy, nhất là về công việc lao động phổ thông cũng như những nghề nghiệp mới. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể thấu hiểu và xây dựng cơ cấu lao động cân bằng hơn” - phó giáo sư Tao nhận định.

Theo phụ nữ TPHCM