Các bệnh viện thẩm mỹ ở Thành Đô (Trung Quốc) cuối năm rất nhộn nhịp khi nhiều người đổ tới đây làm đẹp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo The Paper, lượng khách hàng đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong dịp Tết năm nay, do yêu cầu chống dịch, nhu cầu đi lại thăm hỏi bạn bè và gia đình ít hơn hẳn. Kỳ nghỉ lễ 7 ngày trở thành khoảng thời gian hoàn hảo để phục hồi hậu thẩm mỹ. Điều này khiến hoạt động của các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ ở đây trở nên sôi động hơn hẳn trong tháng 1 và tháng 2.
Kể từ khi Thành Đô được trao tặng danh hiệu “kinh đô thẩm mỹ” vào năm 2018, ngày càng nhiều trung tâm thẩm mỹ mọc lên tại thành phố này. Hiện tại, quy mô ngành thẩm mỹ nội khoa của Thành Đô chỉ đứng sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Mức giá rẻ còn thu hút nhiều người trẻ từ các “thành phố hạng nhất” đến đây để trung tu nhan sắc.
|
Ngành công nghiệp thẩm mỹ nở rộ ở Thành Đô trong những năm qua. |
Kinh đô thẩm mỹ
Vì công việc nên hai năm gần đây, Wang Yan - một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh - thường xuyên phải tới Thành Đô. Trong thời gian đó, Wang đã chi 50.000 nhân dân tệ cho các dịch vụ tại Viện Thẩm mỹ Thành Đô.
Cô nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thẩm mỹ tại đây khi hầu khắp các con phố đều đầy rẫy những trung tâm làm đẹp, với giá cả dịch vụ rẻ bằng 1/3 so với Bắc Kinh cùng sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo hơn hẳn.
Ngành công nghiệp làm đẹp đã trở thành đặc trưng khi nhắc tới Thành Đô, giống như gấu trúc và lẩu.
Tại khu thương mại đường Chunxi sôi động nhất Thành Đô, con phố dài 200 m có tới 3 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Ngay cả những tài xế taxi ở đây cũng ngỡ ngàng: “Chỉ trong vài năm, bỗng dưng có nhiều bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên trên đường phố”.
Theo số liệu chính thức do Chengdu công bố, số lượng cơ sở thẩm mỹ y tế tại Thành Đô từ năm 2016 đến 2018 lần lượt là 159, 276 và 407. Đáng nói, trong năm 2018, Thành Đô trở thành nơi có số bệnh viện thẩm mỹ y tế lớn nhất Trung Quốc với 21 bệnh viện. Đây cũng là thành phố phát triển nhanh nhất các cơ sở y tế và thẩm mỹ của cả nước.
|
Nhiều người trẻ chọn phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình như ước muốn. |
Mu Zi (sinh năm 1997, quê Thành Đô) mới tiêm căng da mặt. “Mặt tôi vẫn chưa hồi phục”, cô nói và tháo một bên khẩu trang. Theo Mu Zi, phẫu thuật thẩm mỹ cũng trở nên phổ biến với bạn bè cô những năm gần đây.
Những ngôi sao mạng xã hội thuộc công ty cô và các bạn cùng lớp cũng thực hiện phẫu thuật. "Hôm đó tôi đến bệnh viện và thấy nhiều cô gái khác còn được bạn trai đi cùng”, cô kể.
Mu Zi làm việc ở quê với mức lương trước thuế là 6.000 nhân dân tệ. Giá một một lần thực hiện dịch vụ căng da mặt ở đây là 400-500 nhân dân tệ, mức này hoàn toàn nằm trong ngưỡng chi trả của cô gái sinh năm 1997.
Các dịch vụ không phẫu thuật như căng da mặt được ưa chuộng trong những năm gần đây, bởi đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn, không cần phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh.
Các phương pháp làm đẹp bằng ánh sáng phổ biến hơn bao gồm tiêm botulinum, tiêm axit hyaluronic, tiêm căng da mặt, tiêm tan mỡ...
Theo "Báo cáo khảo sát phát triển hàng năm của ngành thẩm mỹ y tế Trung Quốc" do Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc công bố, tính đến cuối năm 2018, số lượng dịch vụ thẩm mỹ y tế ở nước này đã vượt mức 10 triệu, trong đó 7 triệu là dịch vụ không phẫu thuật.
Phẫu thuật thẩm mỹ để tự giúp mình
Những người thuộc thế hệ sinh sau năm 1995 như Mu Zi giờ đây đã trở thành khách hàng chính trong ngành thẩm mỹ. Họ coi phẫu thuật thẩm mỹ là điều bình thường và không cần giấu giếm như trước.
Xiaomei (30 tuổi) gần đây đã có 4 lần thực hiện căng da ở Hàng Châu. Căng da mặt và cổ có giá tổng cộng 19.000 nhân dân tệ. Cô thoải mái đăng ảnh selfie lên trang cá nhân để chia sẻ lại quá trình làm đẹp.
Thực tế, ngày càng có nhiều người như Xiaomei sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ của họ lên các nền tảng xã hội, đây cũng là một biểu hiện chính của việc thẩm mỹ ngày càng phổ biến.
Theo The Paper, khác với các nhóm tuổi già phải chọn thẩm mỹ vì lão hóa, những người trẻ muốn 'tự giúp mình', coi việc có nhan sắc là cách giành lợi thế trong cuộc sống.
Một cuộc khảo sát về sắc đẹp y tế do Gengmei App công bố cho thấy thế hệ sau 1995 chiếm 35% lượng khách hàng thẩm mỹ năm 2020, cao hơn nhiều so với những người sinh từ năm 1990 (21%) và 1980 (23%).
Ngoài ra, khác với những người thuộc thế hệ 8X hay đầu 9X thường chọn hình mẫu người nổi tiếng để phẫu thuật thẩm mỹ, những người sinh sau năm 1995 chăm chú hơn trong việc nghiên cứu kiến thức thẩm mỹ, muốn giữ lại nét cá nhân và trở nên xinh đẹp.
Theo Gengmei APP, vào năm 2015, chỉ có 33% người tích cực chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ của họ, và 37% khác “không dám nói ra”. Đến năm 2017, tỷ lệ chia sẻ tích cực tăng lên 56% và tỷ lệ “không dám nói ra” giảm xuống 10%.
Theo Zing