Tháng 3 hàng năm là thời điểm quan trọng với Alexandra Gerasimova - giám đốc chuỗi phòng gym Fitmost (Nga). Mọi người thường muốn đi tập lại sau mùa đông, và doanh thu từ tháng này đủ bù đắp phần lỗ trong suốt mùa xuân và hè.
Tuy nhiên, giữa tháng 3 năm nay, sau nhiều tuần kinh doanh chậm chạp, công ty của cô buộc phải đóng cửa do hàng triệu người Nga phải ở trong nhà vì Covid-19. Khi doanh thu giảm tới 90%, Gerisamova cho biết mục tiêu duy nhất của cô lúc này chỉ là tồn tại. Để không phải sa thải nhân viên, cô quyết định giảm lương tất cả.
Không như Mỹ và các nước châu Âu, Nga đến nay hỗ trợ rất ít cho các doanh nghiệp phải đóng cửa. Fitmost thậm chí còn nằm trong nhóm không đủ điều kiện nhận cứu trợ của chính phủ. Gerisamova không biết phải làm gì để tiếp tục. "Nếu không có gì thay đổi trong 3 tháng tới, tôi không biết công ty sẽ ra sao nữa", cô cho biết trên Time.
Kinh tế Nga đang chịu khủng hoảng kép khi đất nước phải phong tỏa vì đại dịch và giá dầu thô lại lao dốc. "Đây là cú sốc chưa từng có", nhà kinh tế học Sergei Guriev tại Viện Chính trị học Paris nhận xét trên Washington Post, "Giá dầu vốn đã xuống mức thấp chưa từng thấy. Rồi lại đến đại dịch, sau đó là khủng hoảng kinh tế trong nước".
Giá dầu thô và khí đốt lao dốc đã đe dọa mức sống của người Nga, do ngành năng lượng đóng góp tới hai phần ba xuất khẩu của nước này. Năm 2019, 39% ngân sách Nga cũng đến từ thuế bán dầu khí. Nguồn thu này đã giảm đáng kể năm nay do giá dầu đi xuống. Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ sử dụng 27 tỷ USD từ quỹ dự phòng để bù đắp phần thiếu hụt.
Năm nay, Ngân hàng trung ương Nga dự báo giá dầu trung bình là 27 USD một thùng. Trong khi đó, mức họ cần để cân bằng ngân sách là 42 USD và có thể đến năm 2022 mới đạt con số này. Thâm hụt ngân sách năm nay có thể tương đương 6% GDP.
Trong khi đó, đại dịch đang lan nhanh tại Nga. Trong hai ngày 3/5 và 4/5, mỗi ngày nước này ghi nhận thêm gần 11.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên hơn 145.000 người. Đến nay, gần 1.400 người đã tử vong.
Dù tốc độ lây lan và ảnh hưởng của Covid-19 tại đây chưa bằng Mỹ hay các nước phương Tây khác, tác động kinh tế của nó đang ngày càng lớn. Ngày 24/4, Ngân hàng trung ương Nga hạ lãi suất tham chiếu thêm 0,5%, xuống 5,5% và ra tín hiệu có thể giảm thêm. Họ dự báo GDP Nga giảm 4-6% năm nay do nhu cầu nguyên liệu thô đi xuống và các biện pháp phong tỏa bóp nghẹt việc kinh doanh trong nước.
Financial Times cho biết việc cắt giảm lần này mạnh tay hơn dự kiến và đã được dự báo từ lâu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhận định khủng hoảng do đại dịch gây ra lần này "tệ hơn tình trạng năm 2008 - 2009".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó ước tính GDP Nga có thể giảm 5,5% năm nay. Còn các chuyên gia khác cho rằng Nga sắp có cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vài chục năm qua, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 15% và khoảng 8 triệu người mất việc. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại nước này đang cầu cứu chính phủ và cảnh báo vỡ nợ hàng loạt do không thể hoạt động.
Danil Makhnitsky - cựu nhân viên Bộ Tài chính Nga đã tạo ra một bản đồ tương tác với hơn 2.000 SME có nguy cơ vỡ nợ. Ông cũng tạo một đơn kiến nghị online để kêu gọi gỡ bỏ thuế cho các SME Nga. "Các doanh nghiệp lớn được chính phủ hỗ trợ thực sự và có khả năng vận động hành lang nữa. Nhưng công ty nhỏ thì không được thế", ông cho biết trên Washington Post.
Tuy vậy, Nga vẫn lưỡng lự trong việc tung thêm hỗ trợ tài khóa. Đến nay, chính phủ Nga đã đưa ra một số biện pháp củng cố nền kinh tế, nhưng quy mô khá nhỏ so với các nước phương Tây khác, nghiêng về doanh nghiệp lớn nhiều hơn và tập trung vào miễn giảm thuế, bảo lãnh cho vay thay vì hỗ trợ trực tiếp. Riêng khoản cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ chỉ là 10 tỷ USD.
Ông Putin ngày 15/4 công bố kế hoạch kích thích cho các doanh nghiệp nhỏ, trong đó có cho vay lãi suất 0%, miễn giảm thuế và thanh toán khoảng 160 USD cho mỗi người lao động trong tháng 4 và 5. Tuy nhiên, Alexei Kudrin - Giám đốc Cơ quan Kiểm toán liên bang Nga nhận xét chừng đó gần như không đủ để cứu nền kinh tế. Trên RBC, ông cho rằng chính phủ cần một gói kích thích có quy mô tương đương 7% GDP, tức là gấp 4 lần gói hiện tại.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đến nay vẫn chưa thể tiếp cận gói giải cứu. Fitmost - công ty của Gerasimova bị loại ngay từ vòng đầu, do họ là công ty công nghệ và không thuộc nhóm 12 lĩnh vực được giải cứu. "Chúng tôi là một trong những công ty hoàn toàn cô đơn trong cuộc chiến này", cô nói.
Bên cạnh đó, hầu hết đơn đăng ký vay tiền của doanh nghiệp cũng bị từ chối. Trong một cuộc họp báo đầu tháng trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết ít nhất 900 công ty đã nộp đơn xin vay tổng cộng 81 triệu USD (6 tỷ rouble). Tuy nhiên, chỉ khoảng 1,2% số tiền này được chấp thuận.
Khoản hỗ trợ 160 USD cũng chỉ áp dụng cho các công ty duy trì được ít nhất 90% nhân viên, tính đến ngày 1/4. Bên cạnh đó, các chủ lao động cho biết 160 USD cũng không đủ bù lại thiệt hại phát sinh, chỉ tương đương một phần ba lương tháng trung bình của nhân viên và kéo dài trong 2 tháng.
New York Times cho rằng đại dịch đang đe dọa kéo tụt hàng thập kỷ nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Nga. Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ biến mất, cuộc khủng hoảng y tế sẽ khiến kinh tế Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào chính phủ.
So với các công ty quốc doanh lớn như Gazprom và Rosneft, những doanh nghiệp này chỉ đóng góp phần nhỏ vào GDP Nga. Tuy nhiên, họ là thành phần năng động của nền kinh tế, tạo việc làm cho hơn 18 triệu người - tương đương một phần tư lực lượng lao động, và tiên phong trong nhiều lĩnh vực mới ngoài dầu khí.
Giới chuyên gia nhận định vì nguồn thu lớn đến từ xuất khẩu dầu mỏ và đang phải dùng dự trữ để bù thâm hụt ngân sách, Kremlin có ít động lực để giải cứu các doanh nghiệp nhỏ. "Ưu tiên hàng đầu của họ hiện tại là tiết kiệm tiền và chi ít nhất có thể mà không tạo ra bất ổn chính trị - xã hội lớn", Vladimir Tikhomirov - nhà kinh tế học tại BCS Global Markets nhận xét, "Việc một quán cà phê hay nhà hàng nhỏ không trụ được qua khủng hoảng sẽ không được coi là thảm họa".
Khi đại dịch bắt đầu lây lan mạnh tại các thành phố ở Nga cuối tháng 3, Tổng thống Putin yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa và tiếp tục trả lương cho nhân viên. Rất nhiều doanh nhân như Aleksandr B. Zatulivetrov - chủ một nhà hàng ở St. Petersburg không biết lấy đâu ra tiền và phải tìm mọi cách để trả lương theo quy định. "Tôi đã trả mọi thứ mình có cho nhân viên", ông nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nhân lại khẳng định họ không cần hỗ trợ từ chính phủ và muốn được tự túc. "Tôi đã tự đạt được mọi thứ và cũng không kỳ vọng vào sự giúp đỡ nào cả", Denis S. Shevchenko - giám đốc hãng thời trang Gate 31 nói, "Chỉ cần cho tôi biết luật và để tôi mở cửa trở lại thôi. Mỗi ca một khách cũng được".
Theo vnexpress