Mới đây, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC (gọi tắt là MAAC) vừa tổ chức Ngày hội thông tin MAAC Open Day 2024 tại cơ sở 24 - 26 Phan Liêm, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, cung cấp nhiều thông tin thú vị về giảng dạy, nhân lực ngành kỹ xảo phim hiện nay. Ngày hội đã mở ra cái nhìn khá rộng và cụ thể về việc đào tạo, cung cấp ra thị trường nhân lực trong ngành kỹ xảo, với những chia sẻ của người trong nghề.
|
|
Ngày hội thông tin MAAC Open Day 2024 |
Kỹ xảo phim Việt chất lượng vẫn còn trồi sụt
Nhân lực trong ngành kỹ xảo phim Việt hiện nay ngày càng trẻ hóa và được đào tạo bài bản. Điều đó thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh hoặc truyền hình có hiệu ứng kỹ xảo khá mượt mà, dù không thể sánh ngang với những "siêu phẩm" hay "bom tấn" thế giới. Có thể điểm qua các phim như Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân, Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Mắt biếc của Victor Vũ, Quỷ cẩu của đạo diễn Lưu Thành Luân, series trực tuyến Tết ở làng địa ngục của đạo diễn Trần Hữu Tấn…
Nhiều năm gần đây, lượng nhân sự người Việt đảm nhận khâu kỹ xảo cho các dự án phim nước ngoài ngày càng nhiều, ở mảng truyền hình có Money Heist: Korea - Joint Economic Area, Crash Course in Romance, Glory 2, The Mandalorian… và gần đây nhất là series Parasyte: The Grey; còn ở mảng điện ảnh có Black Panther 2: Wakanda Forever, Star Wars: The Rise of Skywalker, Transformers: The Last Knight, Avenger: Infinity War…
|
|
Phim Parasyte: The Grey được khen ngợi về kỹ xảo phim |
Tuy vậy, nếu nhìn vào phim Việt, kỹ xảo của mỗi phim chất lượng còn trồi sụt hoặc có sự tương phản giữa "phim ta" và "phim Tây". Chẳng hạn, trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay loạt phim Tết ở làng địa ngục vẫn còn nhiều chi tiết sử dụng kỹ xảo chưa thật mượt mà, "giả trân" khiến khán giả có nhiều ý kiến chê. Trong khi đó, một số phim nước ngoài mà người Việt đảm nhận khâu kỹ xảo lại có những kỹ xảo đẹp, chi tiết, nhất là ở những cảnh chiến đấu, rượt đuổi, cháy nổ như Avenger: Infinity War, Star Wars: The Rise of Skywalker…
"Tiền nào của đó"?
Một điều dễ nhận thấy khi so sánh kỹ xảo giữa "phim ta" và "phim Tây" sẽ không thể không tránh khỏi sự khập khiễng, vì phim nước ngoài, nhất là dự án bom tấn, được đầu tư kinh phí lớn, có khi lên đến hàng trăm triệu USD.
|
|
Phim Tết ở làng địa ngục được cho là kỹ xảo chưa thật mượt mà |
Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Học viện MAAC, bày tỏ ông thấy mừng vì thời gian qua, khán giả Việt đã chú ý nhiều hơn đến kỹ xảo phim. Ông cho biết để một nhân sự có thể cùng với đội ngũ sáng tạo khâu kỹ xảo trong một dự án phim, điều này đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là ở khâu đào tạo, mà quá trình đào tạo vừa dễ lại vừa khó. Cái dễ là ở MAAC, học viên được đào tạo bài bản, nhưng cái khó là làm sao để đồng thời cũng tạo điều kiện cho các bạn được "thực chiến" với chuyên môn mình đang theo đuổi, tốt nghiệp là có thể đi làm được ngay.
Hằng năm, MAAC cung cấp ra thị trường sản xuất phim 50 học viên, và con số này đủ đáp ứng tình hình cung - cầu của các hãng phim hiện nay. Ông Dũng nói: "Có nhiều thầy cô đang giảng dạy tại MAAC tạo điều kiện để học viên thực tập, làm chính thức ngay tại studio mà họ đang dẫn dắt. Cũng có những học viên vừa học, vừa làm tại các studio bên ngoài". MAAC đã cộng tác làm việc với nhiều studio bên ngoài như Sparx* - A Virtuos Studio, Bad Clay Studio, Glass Egg - A Virtuos Studio… để các học viên vừa học vừa "thực chiến". Theo ông Dũng thì học viên tốt nghiệp ở MAAC đáp ứng tốt tiêu chuẩn khâu kỹ xảo - hậu kỳ trong ngành công nghiệp phim hiện nay.
Anh Đinh Hoàng Long, giảng viên tại MAAC và đang là VFX Compositor (nghệ sĩ tích hợp hình ảnh) tại Bad Clay Studio - đơn vị đảm nhận xử lý kỹ xảo cho bộ phim được chú ý gần đây trên Netflix là Parasyte: The Grey, từng chia sẻ các đối tác nước ngoài có yêu cầu rất cao cho khâu kỹ xảo (đơn cử như phim Sweet Home). Đến Parasyte: The Grey, mức độ xử lý kỹ xảo chi tiết và khó hơn nhiều vì đội ngũ kỹ xảo trải qua hầu hết các khâu trong quy trình làm hiệu ứng hiện nay, thậm chí thời gian xử lý mỗi khâu cũng rất lâu, vì phải làm kỹ để khi xem với chất lượng phân giải 4K, hiệu ứng không gặp lỗi.
Có thể nói mặc dù kỹ xảo phim Việt đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn nhiều hạn chế nếu so phim Việt với phim quốc tế, dù đội ngũ nhân lực vẫn là người Việt đảm nhận. Theo ông Đinh Trí Dũng, nhiều nhân viên kỹ thuật hiện nay đáp ứng được, và thậm chí làm rất tốt khâu kỹ xảo trong phim, nhưng vẫn còn vướng vấn đề về kinh phí, mức đầu tư cho kỹ xảo không như nước ngoài nên có tình trạng "tiền nào của đó".
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024 vừa kết thúc, câu chuyện kỹ xảo phim Việt đã được trao đổi trong hội thảo với chủ đề Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu. Buổi nói chuyện có ông Thierry Nguyễn, đồng sáng lập Bad Clay Studio; ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Học viện MAAC; ông Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập, CEO của Animost Studio...
Các diễn giả nhìn nhận ngành công nghiệp kỹ xảo phim ở VN đang thu hút các nhà đầu tư, có đóng góp nhất định vào công nghiệp điện ảnh, nhưng về lâu dài, ngành này muốn phát triển hơn nữa thì cần phải cải thiện nhiều vấn đề về con người, môi trường làm việc cũng như ngân sách làm phim.
|