Giáo sư Phan Văn Trường, nguyên cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, tác giả sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ, cho biết hiện nay khó đưa ra định nghĩa cho khái niệm công dân toàn cầu dựa trên những tiêu chuẩn vật chất. Có bao nhiêu người công dân toàn cầu thì có bấy nhiêu mẫu người. Tuy nhiên, mọi công dân toàn cầu đều sinh hoạt với một phong cách dựa vào lý trí, mang sự tích cực để phục vụ và là người bảo vệ địa cầu này một cách có hệ thống.
"Công dân toàn cầu không phải là bằng cấp, mà là thái độ, là phong cách, là làm cho con người trở nên tự tin, tự trọng hơn, tử tế, biết phụng sự, sống trách nhiệm với mọi người xung quanh. Đồng thời, công dân toàn cầu phải biết quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, có cái nhìn rộng, không kỳ thị văn hóa nào và sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết. Làm công dân toàn cầu phải là một công dân trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu", giáo sư Phan Văn Trường nói.
Thạc sĩ Hồ Thu Hương, người từng đi qua hơn 40 quốc gia trên thế giới và 5 châu lục, đồng sáng lập và quản lý dự án "Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới" để giúp bạn trẻ Việt tự tin trở thành công dân toàn cầu, cũng cho rằng không có một định nghĩa chính thức về công dân toàn cầu.
Theo thạc sĩ Hương, thay vì ưu tiên cho những phẩm chất như từng sinh sống tại các quốc gia khác nhau và sử dụng được nhiều ngôn ngữ, những tiêu chí của một công dân toàn cầu gương mẫu là người có tầm nhìn rộng mở, ham học hỏi, biết nghĩ đến người khác, có sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh khi cần thiết.
"Công dân toàn cầu là những người không bị giới hạn bởi các rào cản, có tinh thần vượt qua khó khăn, có thể thích nghi, tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên thế giới và trong mọi hoàn cảnh; không ngại đối phó với bất cứ trở ngại nào trên con đường đi đến mục tiêu, không gặp vấn đề khi tiếp xúc với những con người khác nhau vì biết cách giao tiếp trong môi trường đa văn hóa", chị Thu Hương nói.
Theo thạc sĩ Hương, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành công dân toàn cầu nếu chúng ta mong muốn. Con đường bước ra thế giới như thế nào không phải là một chuyện dễ dàng, mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua khó khăn trên các chặng đường.
Trở thành công dân toàn cầu ngay cả khi đang… ngồi ở nhà
Để trở thành công dân toàn cầu, giáo sư Phan Văn Trường khuyên các bạn trẻ phải có sự tự trọng. Tự trọng là nền tảng, là trong mỗi lời nói và lời cam kết của mình. Khi có lòng tự trọng, con người sẽ biết giữ lời, biết tuân theo các "luật chơi" của xã hội. Thế giới được vận hành trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó, thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng.
Thạc sĩ Hồ Thu Hương cho rằng hiện nay người trẻ hoàn toàn có thể trở thành công dân toàn cầu ngay cả khi đang ngồi tại nhà. Chỉ cần có máy tính, điện thoại, internet, người trẻ có thể giao tiếp với toàn thế giới, quan tâm tới những vấn đề của toàn cầu, làm việc và làm tình nguyện trực tuyến hoặc tham gia các khóa học từ xa.
"Thế giới đang thay đổi từng ngày, từng giờ một cách nhanh chóng. Nếu muốn bắt kịp thời đại, người trẻ phải quyết tâm không ngừng học hỏi và cập nhật thông tin. Học tập không chỉ giới hạn trong khuôn viên của ngôi trường, mà mình tự học hỏi, tìm kiếm thông tin, trau dồi những kiến thức mới mẻ mỗi ngày và ở bất cứ hoàn cảnh nào", chị Hương chia sẻ.
Theo giáo sư Trường, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng bản thân cần phải biết nhiều ngoại ngữ thì mới trở thành công dân toàn cầu, tuy nhiên, công dân toàn cầu không nhất thiết biết sử dụng nhiều ngoại ngữ. Có người chỉ sử dụng thành thạo duy nhất 1 ngôn ngữ vẫn có thể là công dân toàn cầu. Đương nhiên, nếu ai đó biết nhiều thứ tiếng, họ sẽ dễ dàng mở mang kiến thức, tiếp cận văn hóa khắp địa cầu và từ đó dễ mang tư duy của một công dân toàn cầu.
Theo thạc sĩ Hương, bạn trẻ nên trang bị cho bản thân khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ. Sử dụng tiếng Anh là điều tất yếu cho cuộc sống hiện nay, biết tiếng Anh sẽ giao tiếp được với phần lớn mọi người trên thế giới. Ngoài giao tiếp thành thục tiếng Anh nên học thêm vài ngoại ngữ nữa. Học ngoại ngữ giúp hiểu thêm về văn hóa, lối sống của quốc gia, dân tộc và điều này giúp mình tò mò về thế giới, trở nên thú vị và có cuộc sống nhiều màu sắc hơn.
"Công dân toàn cầu là một hành trình, nó không phải là một điểm đến. Mình không thể nói rằng tôi đã trở thành công dân toàn cầu nên không cần phải làm gì nữa. Phải cố gắng cải thiện bản thân mỗi ngày, chia sẻ những cái kiến thức của mình cho mọi người, học hỏi thêm những điều hay từ người khác", thạc sĩ Hương nói.
Theo Thanh niên