Không phải đến công ty, có thêm thời gian ngủ, tránh cảnh tắc đường, tiết kiệm tiền xăng xe, làm việc tại nhà ban đầu có thể là phương án không tồi cho giới văn phòng vào mùa dịch.
Tuy nhiên, viễn cảnh không màu hồng như nhiều người từng nghĩ. Ngược lại, work from home trong thời gian dài dễ dẫn đến cảm giác chán nản, mệt mỏi, khó tập trung và nhất là hiệu suất công việc giảm đi.
Hội chứng "sức tàn lực kiệt"
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận kiệt sức (burn out) là một hội chứng nghề nghiệp. Trong đó, người lao động cảm thấy cạn kiệt năng lượng, có tinh thần tiêu cực và căng thẳng với công việc.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình trạng này càng dễ xảy ra hơn khi người đi làm giảm kết nối với xung quanh, quanh quẩn cả ngày trong phòng.
Năm ngoái, một nghiên cứu của trang web việc làm Indeed cho thấy 52% người lao động cảm thấy kiệt sức, 67% đổ lỗi cho Covid-19 gây căng thẳng cho họ.
Còn cuộc thăm dò của Gallup cho thấy rằng những người làm việc từ xa hoàn toàn gặp phải tình trạng mệt mỏi nặng nề hơn những người vẫn đến văn phòng.
Để tránh tình trạng burn out, mỗi người có thể thử một số cách khác nhau, giúp bản thân tìm lại trạng thái cân bằng, vượt qua luồng suy nghĩ tiêu cực.
Tách biệt công việc với cuộc sống cá nhân
"Chỉ vì sếp biết bạn đang ở nhà không có nghĩa bạn phải có mặt mọi lúc họ yêu cầu", Lisa Austin, một nhà tâm lý học New York, đưa ra lời khuyên.
Work from home dễ dẫn đến tình cảnh làm việc từ sáng đến đêm, không phân chia thời gian rạch ròi. Để đảm bảo sức khỏe và trách nhiệm với nhiệm vụ, mỗi người cần giới hạn giờ bắt đầu và tan ca như ngày đi làm bình thường.
Với những người mang nỗi lo sợ sẽ bị sa thải nếu từ chối việc, cô đưa ra lời khuyên: "Nếu bạn kiệt sức, bạn không thể trở thành một nhân viên hiệu quả".
Tự tạo thời gian nghỉ ngơi
Trong lúc làm việc, mỗi người nên dành ra vài phút nghỉ ngơi để thả lỏng, tranh thủ vận động, tránh cảnh ngồi lì một chỗ cả ngày.
Vận động không nhất thiết phải ra ngoài tập thể dục mà có thể là nhảy dây, đi tưới cây hay dành vài phút nghe bài hát, chương trình podcast yêu thích.
Theo bác sĩ trị liệu Melissa Russiano, việc vận động giúp điều chỉnh lại bộ não. “Nếu bạn ngồi ở một vị trí cố định và làm cùng một việc ngày này qua ngày khác, bộ não của bạn sẽ chấp nhận rằng đang không có gì thay đổi. Vận động có thể khởi động tư duy mới”.
Ngủ sớm 5 phút mỗi ngày
Trên thực tế, việc ngủ thêm 5 phút không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào về mức năng lượng cho ngày hôm sau.
Nhưng phương pháp này "tích tiểu thành đại" khi bạn cộng chúng lại. Ngoài ra, việc lên giường sớm giúp mỗi người ý thức hơn về giờ đi ngủ của mình.
Trên hết, nếu thiếu ngủ, bạn sẽ thức dậy với ít năng lượng hơn và khó ngăn chặn cảm giác mệt mỏi về tinh thần, kiệt sức và bất ổn về cảm xúc.
Tự khích lệ bản thân
Theo nhà trị liệu Carly Bassett tại Austin (Mỹ), việc đánh lừa não bộ của bạn là điều cần thiết để biến suy nghĩ tiêu cực thành tích cực. Chuẩn bị sẵn một câu "thần chú" ngắn gọn, đơn giản và có thể lặp lại mỗi khi nhận thấy mình sắp rơi vào trạng thái kiệt sức.
“Thay vì nghĩ rằng, tôi là một kẻ thất bại trong công việc, hãy nghĩ rằng, tôi sẽ thành công ngày hôm nay".
Thêm nữa, bạn có thể chọn một vài trích dẫn kinh điển trong sách, phim truyện và viết lên giấy nhớ, treo ở vị trí dễ nhìn thấy trước bàn làm việc.
Ngoài ra, có thể dành 5 phút ngồi tưởng tượng cảnh đang đi chơi, nằm trên bãi biển hay đang trên đường du lịch.
Dù cách này nghe có vẻ buồn cười, nhưng nhà trị liệu cho biết để đầu óc nghĩ về những thứ khiến mình thấy thoải mái là một cách hữu hiệu giúp đẩy lùi căng thẳng.
Theo Zing