Không phải ai cũng có thể đối diện với những sai lầm bằng một tâm thế cởi mở, mà thường có xu hướng ám ảnh, tự trách mình vì những chuyện đã qua. Có thể bạn đã có một đêm thức trắng với mớ cảm xúc lo lắng, nôn nao vì đã làm một khách hàng thất vọng. Cũng có thể bạn đang tìm cách “né tránh” đồng nghiệp của mình vì có cảm giác như đang bị “phán xét” từ mọi người. Nếu một trong hai tình huống này quen thuộc với bạn, rất có thể bạn là người dễ bị ám ảnh với những sai lầm trong quá khứ.
Trên thực tế, yếu tố thúc đẩy những lo lắng thường trực này là sự xấu hổ khi cảm thấy bản thân mình thiếu năng lực và sợ người khác nhìn nhận ra điều này. Một khi bạn bắt đầu ám ảnh về những sai lầm do… xấu hổ gây nên, nó có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn như sự đòi hỏi một chủ nghĩa hoàn hảo. Sự xấu hổ thường nhường chỗ cho chủ nghĩa hoàn hảo và chúng sẽ khiến những sai lầm trở nên nghiêm trọng hơn. Về cơ bản, nếu một người theo chủ nghĩa hoàn hảo không làm mọi thứ một cách hoàn hảo thì họ sẽ nhìn nhận mình là một người thất bại và mọi người sẽ chỉ trích họ.
Thật không mấy dễ chịu khi phải vật lộn với nỗi ám ảnh về những sai lầm đã qua trong công việc. Tạp chí Nữ Doanh Nhân xin gợi ý 3 cách để bạn có thể đối diện với một sai lầm và gạt bỏ chúng để tiếp tục tiến lên phía trước.
1. Đặt mình vào sai lầm của người khác
Sau khi mắc một sai lầm trong công việc, bạn có thể rất muốn “cúi gầm” mặt xuống để tránh sự bối rối, xấu hổ khi phải đối diện với đồng nghiệp của mình. Nếu những lo lắng này khiến bạn thao thức cả đêm và luôn làm bạn ám ảnh vì một quá khứ đã qua, hãy thử thách những suy nghĩ đó bằng những câu hỏi thực tế hơn. “Thế giới có kết thúc vì lỗi lầm này không?”; “Bạn sẽ bị sa thải chứ?”. Hay đơn giản thứ bạn nhận lại chỉ là một lời phê bình và một phản hồi mang tính xây dựng từ các cấp trên? Đôi khi, những sơ suất có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Nó có thể khiến công ty mất một số tiền và các nhân viên cấp dưới của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì lỗi lầm của sếp mình. Nhưng nó không phải là một dấu chấm hết cho sự nghiệp phía trước.
Thu nhỏ mọi vấn đề và cũng không cố thổi phồng mọi thứ quá mức. Hãy thử đặt mình vào vị trí của đồng nghiệp, những người cũng từng mắc lỗi. Một khi bạn nhìn thấy lòng trắc ẩn và sự cảm thông của mình dành cho những lần “trượt chân” của họ, bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhàng với trường hợp của bản thân hơn. Khi một đồng nghiệp hay một cấp dưới mắc sai lầm trong quá khứ, đó có phải là điều làm bạn luôn phán xét về họ không? Bạn có dành cả ngày để suy nghĩ miên man về sai lầm của họ không? Không! Mọi người tại nơi làm việc có thể phản ứng theo nhiều cách khác nhau nhưng không ai nghĩ về điều này nhiều hơn chính bạn.
2. Đừng để sai lầm là con sâu “gặm nhắm” suy nghĩ bạn
Để vượt qua một sai lầm, bạn cần phải suy nghĩ về việc rút ra bài học từ sai lầm đó. Nếu bạn đang mắc kẹt trong sự dằn vặt triền miên “lẽ ra”, “giá như”, hãy cố gắng buông bỏ dần dần những tự trách ấy và thành thật với những điều bản thân chưa biết. Việc áp đặt kiến thức và trí tuệ của hiện tại vào một phiên bản của quá khứ, mãi mãi không thể thay đổi được cục diện tình hình. Ngược lại, chúng càng làm bạn cảm thấy mình kém cỏi và thiếu năng lực.
Việc ám ảnh thái quá về một quá khứ đã qua cũng chứng tỏ bạn là người tận tâm với những điều đang làm. Bạn chỉ lo lắng về điều bạn đang quan tâm và đó cũng chính là mối quan tâm chung của cả một tập thể có liên quan. “Hãy đối xử tốt với bản thân” là câu nói không hề thừa trong việc làm giảm bớt lo lắng của bạn theo hướng tích cực hơn. Đừng để con tim đánh bại đi ý chí của khối óc, bằng cách tạo ra một lời khẳng định lặp lại với chính mình bất cứ khi nào những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện. Bạn có thể tự nhủ với chính mình rằng: “Tôi chấp nhận sai lầm của mình, tôi chọn rút kinh nghiệm và tôi đang tiến về phía trước”.
3. Xem sai lầm là một cơ hội trong công việc
Khi mắc một sai lầm lớn trong công việc, một bản năng thường thấy của chúng ta đó là tự “đóng cửa”, kìm nén mọi thứ đang diễn ra. Nếu cảm thấy muốn rút lui, hãy thử thách bản thân làm điều ngược lại. Bạn có thể là người đưa ra vấn đề này trong cuộc trò chuyện với đồng nghiệp hoặc sếp của mình. Nếu điều đó gây ra sự bất tiện cho họ, hãy xin lỗi vì điều đó. Biết đầu, từ cuộc trò chuyện cởi mở này sẽ đổi lại sự hòa nhã, thiện chí từ mọi người? Giả thuyết trên nghe có vẻ thiếu thực tế. Nhưng bạn biết không, sự minh bạch về sai lầm của chính mình có tác động rất lớn đến việc hàn gắn, chữa lành. Ban đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng sau khi kết thúc, bạn sẽ thực sự cảm thấy sảng khoái hơn là khi cứ kìm nén trong lòng.
Tất nhiên, đôi khi thành thật về một sai lầm cũng có thể khơi nguồn cho sự phán xét và chỉ trích gay gắt từ những đồng nghiệp xấu tính. Đúng là bạn phải là người tự chịu trách nhiệm về sai lầm của mình, nhưng sự phán xét của đồng nghiệp cũng không phải là điều bạn cần hứng chịu. Hãy cho họ biết những giải pháp của bạn trong sai lầm này hoặc những cách ngăn chặn rủi ro có thể xảy đến trong tương lai. Chịu trách nhiệm mà không đổ lỗi cho bất kỳ ai là cách chữa lành hiệu quả nhất.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng phạm phải sai lầm. Nhưng đừng tự dằn vặt bản thân và luôn để quá khứ là nỗi ám ảnh sâu sắc. Nhìn đời khác đi, xem sai lầm là một bài học trong cuộc sống, vì đích đến thành công nào cũng sẽ xen lẫn ngọt ngào và cả những thương đau.
Theo doanhnhan.vn