Jake Ong nằm trong nhóm những nhân viên gen Z (sinh từ 1997-2012) ở châu Á chọn công việc tại nhà hoặc làm việc bán thời gian để được trải nghiệm những điều mình thích. Họ được cho là thế hệ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát thời gian của chính mình dù vẫn phải làm việc để kiếm sống.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi bắt nguồn từ phương thức làm việc từ xa thời đại dịch, buộc các nhà tuyển dụng phải linh hoạt hơn. Các công ty có khả năng thích ứng và có tư duy tiến bộ đã áp dụng mô hình mới này. Jake Ong cho biết: “Thời gian tôi tiết kiệm được là khoảng 2 giờ mỗi ngày. Khoảng thời gian này có thể được sử dụng cho các hoạt động cá nhân như đến phòng tập thể dục chẳng hạn".
|
|
Phương thức làm việc linh hoạt, từ xa giúp nhân viên hạnh phúc hơn, hiệu quả công việc cao hơn - Nguồn ảnh: Shutterstock |
Làm việc trên bãi biển ở Bali hay quán cà phê ở Việt Nam dường như không còn là giấc mơ xa vời đối với hàng trăm ngàn người ở Singapore khi các quy định mới ở nước này cho phép nhân viên được yêu cầu công ty sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Một cuộc khảo sát gần đây ở châu Á cho thấy, hơn một nửa số người thế hệ Z được hỏi cho biết sẽ bỏ việc nếu họ mất đặc quyền làm việc tại nhà. Luật Lao động của Malaysia đã cho phép nhân viên nộp đơn xin sắp xếp công việc linh hoạt để sửa đổi “giờ làm việc, ngày làm việc hoặc nơi làm việc”.
Ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với văn hóa làm việc nghiêm ngặt, đại dịch đã góp phần thay đổi quan điểm, ngày càng nhiều lao động trẻ tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hiroshi Ono - giáo sư quản lý nguồn nhân lực tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo - cho biết: “Khi đại dịch kết thúc, rất nhiều người không muốn quay lại cách làm việc cũ và các nhà tuyển dụng đã nhận ra rằng họ cũng có thể linh hoạt hơn”.
Một cuộc khảo sát gần đây do Bộ Nội vụ Nhật Bản thực hiện cho thấy ngày càng nhiều thanh niên Nhật chọn làm việc bán thời gian và ưu tiên sự linh hoạt để cho phép họ theo đuổi sở thích ngoài công việc. Năm ngoái, khoảng 730.000 công nhân Nhật Bản trong độ tuổi 25-34 đã chọn làm việc “không thường xuyên” - một thuật ngữ chung cho công việc bán thời gian. Paul Thomas - Giám đốc nhân sự khu vực châu Á của thị trường việc làm trực tuyến Seek - cho biết: “Việc sắp xếp công việc linh hoạt cho phép chúng tôi mở rộng nguồn nhân tài bằng cách thu hút những ứng viên có kỹ năng chuyên môn thích các lựa chọn làm việc từ xa hoặc linh hoạt”.
Paul MacAndrew - phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhà cung cấp không gian làm việc IWG - cho biết: “Các công ty áp dụng mô hình làm việc linh hoạt sẽ không chỉ tăng sức hấp dẫn với tư cách là nhà tuyển dụng mà còn có thể mong đợi được hưởng lợi từ việc tăng năng suất và sự gắn kết của nhân viên”.
Mô hình làm việc linh hoạt đang định hình lại các thành phố trên khắp châu Á, giảm bớt việc đi lại của nhân viên, tạo một môi trường làm việc thoải mái. Surya Pranata - lập trình viên 29 tuổi ở Jakarta, Indonesia - nhận thấy anh có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình khi công ty chuyển sang chính sách làm việc kết hợp trong bối cảnh đại dịch. “Tôi chỉ phải đến văn phòng 1-2 lần/tuần, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí cũng như thời gian đi lại" - Surya Pranata nói.
Những nhân viên phải chăm sóc cả con cái và người thân lớn tuổi cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Bhavik Vashi - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông của nền tảng quản lý vốn Carta ở Singapore - cho biết giờ giấc linh hoạt hơn và làm việc từ xa đã thay đổi cuộc sống cá nhân của anh. Giờ đây, anh có thể nấu ăn cho cậu con trai 3 tuổi của mình, giúp đỡ nhiều việc nhà hơn và mong được chào đón đứa con thứ hai mà không cần phải vội vã đến văn phòng mọi lúc.
Theo phụ nữ TPHCM