Cô gái 24 tuổi không còn lựa chọn nào khác và đang tìm mọi cách để trở về Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc, vào năm ngoái, Zhu tham gia một khóa học 6 tháng về khoa học máy tính rồi sau đó tới Tokyo tham gia khóa đào tạo tiếng Anh chuyên ngành tại một công ty công nghệ thông tin, chuyên cung cấp hỗ trợ IT cho các doanh nghiệp ở Nhật.

                     Công nhân trong một dây chuyền sản xuất xe hơi ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Mùa xuân vừa rồi, cô đáng lẽ sẽ được điều tới một công ty ở Nhật Bản để làm công việc thử nghiệm phần mềm. Nhưng mọi thứ bất ngờ sụp đổ. Dịch bệnh bùng phát gây khó khăn cho nền kinh tế chung khiến công ty của Zhu phải cắt giảm chi phí, tước đi cơ hội việc làm mà Zhu mong chờ bấy lâu.

Trước tháng ba, thu nhập ròng của Zhu là khoảng 127.000 yen (1.210 USD)/tháng. Từ tháng ba đến tháng 5, thu nhập giảm 20%. Tới tháng 6, thu nhập tiếp tục giảm thêm 20% nữa. Cuối cùng, công ty yêu cầu cô tự nguyện viết đơn xin thôi việc mà không được bồi thường bất kỳ khoản nào.

"Tôi đã xin thôi việc", Zhu nói. "Có một đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi không đồng ý ký giấy xin nghỉ và anh ấy nhận được khoảng 30.000 yen. Số tiền đó còn chẳng đủ ăn. Anh ấy cũng đang tìm việc làm. Nhưng thị trường lao động hiện rất tồi tệ. Nếu tôi đi phỏng vấn với một công ty địa phương khác, họ chắc chắn sẽ cân nhắc chọn ứng viên người Nhật trước".

Zhu không phải là người duy nhất có hoàn cảnh như vậy. Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều công nhân Trung Quốc đang làm việc tại nước ngoài. Những người này gồm các thủy thủ trên tàu du lịch, tàu chở hàng hay công nhân làm việc cho những dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Một số người bị mắc kẹt ở nước ngoài suốt nhiều tháng, không có thu nhập, công việc, trong khi hy vọng trở về vô cùng mong manh.

Hồi đầu năm, Xiong Gang, người gốc Hồ Bắc, Trung Quốc nhưng đã di cư đến Singapore từ 20 năm trước, đang bận rộn sắp xếp hàng quyên góp, bao gồm cả các trang thiết bị y tế, để gửi tới các bệnh viện ở quê nhà. Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, là nơi đầu tiên phát hiện những trường hợp nhiễm nCoV.

Tuy nhiên, từ tháng 4, ông đã chuyển hướng sang tập trung hỗ trợ hàng nghìn lao động nhập cư Trung Quốc đang phải sống trong những ký túc xá chật chội của Singapore. Ông nhận trách nhiệm vận chuyển đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác cho họ. Nhưng những ký túc xá này đã trở thành các ổ dịch nCoV nên chính phủ Singapore buộc phải cách ly họ.

"Nhiều lao động Trung Quốc muốn về nhà, chủ yếu vì họ cảm thấy như bị cầm tù. Nếu có công việc thì họ mới muốn ở lại", Xiong cho hay. "Thức ăn không ngon lắm. Họ không thể tự do di chuyển và họ cảm thấy rất chán nản".

Theo Xiong, nhiều người nhận được khoản trợ cấp khoảng 510 USD từ chính phủ Singapore nhưng các công nhân chủ yếu dựa vào làm thêm để tiết kiệm tiền gửi về quê nhà. Vậy nên, khi không có việc làm, hầu hết mọi người đều cảm thấy áp lực.

Tại châu Phi, nơi Covid-19 cũng đang hoành hành, những tiếng kêu cứu xin về nước của các công nhân Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều.

Trong một video đăng lên mạng xã hội hồi tháng 6, cựu kỹ sư Ren Jiagui, 58 tuổi, thỉnh cầu giúp đỡ bên cạnh các công nhân Trung Quốc khác đang mắc kẹt ở Nigeria. Ren bị sa thải hồi tháng ba và hiện sống nhờ tiền tiết kiệm và quyên góp.

"Khi chúng tôi hỏi đại sứ quán Trung Quốc về việc có chuyến bay nào đưa chúng tôi trở về nhà không, câu trả lời của họ luôn là 'không biết'. Họ chỉ bảo chúng tôi chú ý tuân thủ quy định, luật pháp, phong tục địa phương, nâng cao sức khỏe và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa virus", Ren kể. "Một số người hỏi sứ quán liệu họ có thể mượn ít tiền không bởi họ không còn nguồn thu nhập. Sứ quán trả lời rằng 'Hãy liên lạc với gia đình bạn'".

Lisa Dai đã mắc kẹt ở Kenya từ cuối tháng ba sau khi nước này cấm các chuyến bay quốc tế. Cô vừa hoàn thành kỳ thực tập 10 tháng và chuẩn bị tốt nghiệp. Nhưng với triển vọng việc làm cho sinh viên mới ra trường quá ảm đạm, ngay cả ở Trung Quốc, cô không khỏi lo lắng về tương lai của mình.

"Tôi bắt đầu tìm việc ở Trung Quốc từ tháng ba", Dai cho biết và thêm rằng cô đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phỏng vấn vì không thể về nước. "Tôi đã đánh mất quá nhiều cơ hội trong tháng 4 và 5. Tôi sẽ không trở lại châu Phi làm việc trong tương lai gần".

Kenya thông báo họ sẽ mở lại các chuyến bay quốc tế vào cuối tuần này và Dai hy vọng có thể giữ được một chỗ trên những chuyến bay hạn chế do đại sứ quán tổ chức, bởi giá vé máy bay thương mại hiện tại rất đắt. Theo lời Dai, việc mua vé qua các kênh chính thống vô cùng khó khăn. Họ còn thường xuyên gặp phải những đại lý bán vé gian lận.

Tại Tokyo, nơi Zhu Bowen đang sống cùng một người bạn và sắp tiêu cạn tiền tiết kiệm, sau khi cân nhắc thiệt hơn, cô mới đây quyết định đặt vé trở về Trung Quốc vào tháng 9, dù giá vé rất cao.

"Chắc là tôi sẽ phải xin tiền cha mẹ cho tháng tới", Zhu nói và thêm rằng cha cô đã gửi 2.000 USD để cô trả tiền mua vé máy bay về nước.

Nhưng thay vì trở về quê nhà ở tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, Zhu sẽ bay tới thành phố Hàng Châu, cách Thượng Hải khoảng hai giờ lái xe, nơi cô kỳ vọng triển vọng việc làm sẽ khá hơn. Mặt khác, nếu về Hắc Long Giang trước khi tới Hàng Châu, cô có thể bị cách ly tới hai lần.

"Tôi cảm thấy mình đã lãng phí quá nhiều thời gian trong năm qua", Zhu chia sẻ. "Tôi đã học tiếng Anh và giờ đây tôi muốn làm công việc gì đó liên quan đến tiếng Anh ở Trung Quốc".

Theo vnexpress