17

Những chiếc áo ngực ra đời để làm đẹp cho một nửa thế giới (Ảnh minh họa)

Thưa quý vị! Nhất là các quý ông! Tôi hỏi điều này hơi khiếm nhã nhưng rất thực tế: Tại các cuộc thi hoa hậu, quý ông thích xem phần thi nào nhất? Nào hãy trả lời một cách trung thực đi! Đừng nói với tôi là trình diễn áo dài truyền thống e ấp dáng kiều thơm hay vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn qua phần thi ứng xử! Hãy dũng cảm thừa nhận với tôi rằng, đó chính là phần thi trang phục áo tắm.

Có một câu chuyện hài hước như thế này: Cặp vợ chồng nhà nọ ngồi xem hoa hậu qua vô tuyến. Đến phần thi áo tắm, người chồng cứ nhấp nhổm kiễng chân đứng dậy ghé sát màn hình. Thấy vậy, người vợ khó chịu quá bèn gắt lời: “Ông nhìn gì mà ghé sát mặt vào vô tuyến thế?”. Người chồng điềm tĩnh trả lời: “Bà yên tâm, tôi chỉ nhìn những chỗ… có vải!”. Chỗ có vải theo như lời người chồng nọ cam kết điểm nhìn với vợ, ấy chính là nơi tôi chiếm lĩnh 1/2 “vị trí vàng” trên cơ thể của người phụ nữ - kiệt tác của hóa công.

Phải dông dài như vậy để thấy, sự hiện diện của tôi giữa cuộc đời này không có sứ mệnh gì khác ngoài làm đẹp cho cuộc đời. Đấy là ân huệ mà không phải bất cứ thực thể nào sinh ra đã có được. Sự xuất hiện của tôi là một dấu mốc…vĩ đại của ngành công nghiệp thời trang. Đặt trong sự đối sánh với son, phấn, nước hoa, tôi chắc chắn cũng dự phần một vị trí xứng đáng trong lịch sử thời trang phụ nữ.

Cụ tổ nhà tôi xuất hiện từ cách đây hơn 3.000 năm trước, trải qua bao cuộc bể dâu, chiến tranh nhan sắc, tôi vẫn hiện diện đến ngày hôm nay, vẫn mang trong mình một sứ mệnh nguyên thủy: làm đẹp cho đời. Tôi hàn gắn, che đậy những khiếm khuyết trên cơ thể người phụ nữ và kiến tạo thêm vẻ sexsy, quyến rũ cho chính họ.

16

Áo ngực có lịch sử hơn 3.000 năm (Ảnh minh họa)

Một sản phẩm có bề dày lịch sử, đi xuyên qua nhiều trường phái thời trang, nhiều nền văn minh như thế thì việc tôi trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học cũng là lẽ thường.

Ấy vậy mà những ngày vừa qua, tên tôi lại khiến dư luận xôn xao sau khi một nữ nghiên cứu sinh công bố luận án tiến sỹ ngành Công nghệ dệt may có tiêu đề : “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực”.

Tại sao nghiên cứu về áo ngực của phụ nữa lại gây tranh cãi? Một thứ mà 1/2 dân số thế giới đang sử dụng hằng ngày và làm đẹp cho chính họ lẽ ra phải được nghiên cứu từ lâu. Ngay cả tác giả của luận án cũng khẳng định: các thí nghiệm được tiến hành một cách nghiêm túc và khoa học trong quá trình nghiên cứu. Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận án trung thực khách quan và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu của tác giả khác.

Trong luận án, tác giả nêu mục đích nghiên cứu là xác định các đặc trưng nhân trắc ngực ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc, trích chọn các kích thước đặc trưng và phân nhóm ngực nữ làm tiền đề cho việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp. Xác định áp lực của áo ngực nữ lên cơ thể người mặc và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Xác định ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.

Thưa quý vị! Tôi hiểu mạng xã hội như một ngôi nhà không cửa. Nhưng tranh luận để đi tìm chân lý lại chính là cánh cửa mở ra chân trời tri thức. Chỉ có điều, tôi không thể hiểu nổi ai đó đã gắn cả nữ quyền vào việc nghiên cứu độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Trong khi đó, đề tài này chỉ thuần là khoa học về dệt may.

Làm sao quý vị có thể bỉ bôi chuyện nghiên cứu áo ngực là phản cảm, là nhỏ bé, không xứng tầm luận án tiến sỹ. Nếu phải đi trên đường ray định sẵn, khoa học chỉ là những toa tàu đánh số thứ tự lần lượt từng chuyến đến các sân ga. Khoa học là con đường chưa ai đi, là mở đường đến những chân trời mới.

Lại có ý kiến khác nói đó là vấn đề nhạy cảm, là thuần phong mỹ tục. Tôi thực sự hoảng hốt khi ai đó đã đặt ra vấn đề này trong cái nhìn khắt khe, lạc hậu. Phải chăng với những người này, phải cấm áo ngực như thời người ta cấm mặc “quần thủng đáy”?

Trên thế giới, nghiên cứu về áo ngực là một vấn đề khá phổ biến, bởi nó có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và nhan sắc của phụ nữ. Độ vừa vặn, tiện nghi của áo ngực có thể giúp một nửa dân số thế giới khỏe mạnh. Kiểu dáng đẹp của những chiếc áo ngực có thể giúp vòng 1 của phụ nữ trở nên quyến rũ hơn. Đó là vấn đề mang tính thời sự và thực tiễn cao chứ không phải là chuyện nhỏ chút nào.

Cuối cùng thay vì ngồi cào phím tranh cãi, quý vị hãy lựa chọn những chiếc áo ngực thật đẹp, thật phù hợp để nâng niu vợ và người yêu của mình. Bàn chuyện khoa học khi chưa hiểu kỹ, biết sâu, khác nào thầy bói xem voi.

Theo giadinhonline.vn