Giới truyền thông cũng bị lừa
Đầu tháng Bảy, một bản tin từ bang Alabama, Mỹ đã cảnh báo về thử thách chết người trên TikTok liên quan đến việc nhảy khỏi thuyền ở tốc độ cao. Trong câu chuyện được đài truyền hình địa phương phát sóng vào ngày 3/7, Jim Dennis - Đội trưởng đội cứu hộ Childersburg - nói: “6 tháng qua, đã có 4 vụ chết đuối vốn có thể dễ dàng tránh được. Họ đều cố thực hiện một thử thách trên TikTok”.
Các hãng tin tại Mỹ và quốc tế lập tức trích dẫn câu chuyện và cảnh báo về xu hướng. Thế nhưng sau đó, cơ quan thực thi pháp luật của bang Alabama tiết lộ, câu chuyện được nêu là giả và bản thân anh Jim Dennis cũng khẳng định phát biểu của mình đã bị cắt xén.
|
Dùng mạng xã hội để cập nhật thông tin, giới trẻ dễ trở thành nạn nhân của tin giả - Ảnh minh họa: Getty Images |
Tương tự, vào tháng 4/2023, câu chuyện về cái chết của nam diễn viên người Canada Saint Von Colucci đã lan truyền chóng mặt, được các kênh truyền thông trên khắp thế giới săn đón.
Theo đó, Colucci qua đời tại một bệnh viện ở Hàn Quốc sau khi “chi 220.000 USD cho 12 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ” để trông giống Jimin - ngôi sao của ban nhạc K-pop nổi tiếng BTS. Trên thực tế, Colucci là một nhân vật không có thật.
Hãng tin Al Jazeera nói họ có bằng chứng cho thấy câu chuyện là kết quả của một trò lừa bịp phức tạp sử dụng AI.
Đáng chú ý, tin tức về Colucci có vẻ chân thực đến mức nó được các ấn phẩm lớn nhỏ khắp thế giới đăng lại. Dù câu chuyện không gây ra vấn đề nghiêm trọng, đây là trường hợp đầu tiên một ai đó sử dụng AI để đánh lừa các ấn phẩm tin tức và lan truyền thông tin sai lệch trên quy mô toàn cầu.
Felix M Simon - nhà báo và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Internet Oxford (Anh) - cho biết: “Thông tin sai lệch được tạo ra với sự trợ giúp của AI chắc chắn là điều đáng lo ngại vì chúng sẽ khiến công việc của những người kiểm tra tin tức và nhà báo trở nên khó khăn hơn”.
Tin ngay khi mới thấy tiêu đề
Theo một khảo sát trực tuyến với khoảng 94.000 người trưởng thành, thực hiện tại 46 thị trường, bao gồm Mỹ, do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Anh) công bố vào tháng Sáu, số người truy cập tin tức ban đầu qua trang web hoặc ứng dụng của các hãng tin chính thống đã giảm 10% kể từ năm 2018. Thế hệ trẻ thích xem tin tức qua mạng xã hội, trang tìm kiếm trên điện thoại di động. Trên những nền tảng như TikTok, Instagram và Snapchat, người dùng chú ý đến tin tức từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hơn là các nhà báo. TikTok là mạng xã hội phát triển nhanh nhất trong khảo sát, được 20% thanh niên từ 18-24 tuổi dùng để xem tin tức.
Giám đốc Viện Reuters Rasmus Nielsen cho biết: “Những người sinh từ năm 2000 trở đi khó có thể quay lại thích các trang web kiểu cũ, truyền hình, truyền thanh và in ấn. Điều đó chỉ đơn giản là sự thay đổi theo thời gian”.
Trong bài kiểm tra kéo dài 2 phút yêu cầu người tham gia xem 20 tiêu đề nhằm xác định giữa tin giả và tin thật, khảo sát của tổ chức thăm dò ý kiến YouGov ghi nhận trung bình 65% người được khảo sát có thể phân loại tin tức thật - giả một cách chính xác. Đáng chú ý, những người trả lời trẻ tuổi không giỏi trong việc phát hiện ra sự khác biệt giữa các tiêu đề thật và giả như người lớn tuổi. Số điểm thấp của thế hệ sinh từ năm 1980 trở về sau dường như là do họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhóm người tham gia thường xuyên cập nhật tin tức từ các nguồn chính thống đạt điểm cao hơn và những người nhận tin tức từ các nền tảng như Snapchat, Truth Social, WhatsApp và TikTok lại đạt điểm thấp nhất.
Trung tâm an toàn của TikTok có thể cung cấp thông tin để người dùng nhận biết dấu hiệu thông tin giả, cũng như thực hiện các bước nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm và tính đạo đức của các thử thách trực tuyến trên nền tảng. Tuy nhiên, tin tức giả mạo vẫn tiếp tục đánh lừa những người không cẩn thận.
Tiến sĩ Natalie Pang - phó giáo sư tại Khoa Truyền thông của Đại học Quốc gia Singapore - giải thích: “Những thông tin giả như việc nhảy khỏi thuyền ở tốc độ cao trông đáng tin cậy vì chúng dựa trên các thử thách thực sự khác mà thanh thiếu niên tham gia. Người tung tin giả có xu hướng tìm cách chứng minh rằng họ đáng tin cậy bằng cách trích dẫn những nguồn tin chính thống. Nhưng nếu đào sâu, chúng ta sẽ thấy đối tượng được trích dẫn là không có thật. Vấn đề là khi mọi người tin vào những gì họ thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên ở tiêu đề, họ có xu hướng không đọc bài viết, tìm kiếm hoặc xác minh thông tin”.
Theo tiến sĩ Jeremy Sng - giảng viên tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội của giới trẻ không giúp ích nhiều cho việc ngăn chặn thông tin giả. Thay vào đó, giáo dục trẻ em về các chiến lược đối phó với những trò lừa bịp và nội dung không phù hợp khác sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn về lâu dài.
Theo phụ nữ TPHCM