|
|
Nhiều cặp đôi trẻ Trung Quốc quyết định lựa chọn một gia đình chỉ có hai người và không sinh con. (Nguồn: Shutterstock) |
Cha mẹ của Zhang Chengying (32 tuổi) đã rất sốc và ngỡ ngàng khi cô lần đầu chia sẻ về kế hoạch tương lai không có con trẻ. “Cha mẹ hỏi tôi và chồng liệu có điều gì không ổn khi ra quyết định như vậy hay không và tôi trả lời là không có vấn đề gì cả”, Zhang Chengying kể lại.
Nở rộ trào lưu DINK
Zhang Chengying cho biết, cô và chồng muốn trở thành một cặp đôi DINK (double income, no kids) – thuật ngữ chỉ cặp vợ chồng mà cả hai đều có công ăn việc làm, có thu nhập và không sinh con. Hiện tại, họ không có ý định thay đổi quan điểm, dù điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
“Mẹ tôi nói bà đã ngoài 60 và không muốn bị chế giễu vì không có cháu. Nhưng liệu tôi có nên đánh đổi cuộc sống tự do của mình chỉ để tránh bị người khác cười chê. Chắc chắn là không rồi”, Zhang Chengying khẳng định.
Cô vừa tốt nghiệp thực tập bác sĩ dược nội trú tại một trường đại học y ở tỉnh Sơn Đông và đang chờ vị trí nghiên cứu khoa học tại một bệnh viện vào cuối năm nay. Chồng cô sẽ bắt đầu làm việc tại một tổ chức hành chính công trong hai tuần nữa. Hiện tại, cặp đôi đều có thói quen thức khuya, thích ngủ nướng mà không phải lo lắng hay bận tâm về con cái.
Vừa qua, cặp đôi bắt đầu chuyến đi dài 5.499 km (khoảng 3.417 dặm) qua ba tỉnh của Trung Quốc sau khi đã lên kế hoạch trước khá cẩn thận. “Tôi chắc chắn sẽ không thể vô tư thưởng ngoạn những chuyến du lịch như vậy nếu vướng bận con cái. Với trách nhiệm làm cha mẹ, nhiều người bạn của tôi hiếm khi có thời gian ra ngoài gặp gỡ bạn bè”, Zhang Chengying chia sẻ.
Dù Bắc Kinh đã chính thức chấm dứt các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19, những ảnh hưởng hậu đại dịch vẫn có tác động lâu dài đến “sức khoẻ” của nền kinh tế và đời sống tinh thần của người dân.
Đối với nhiều người Trung Quốc, áp lực tài chính sau khi lập gia đình và có con cái khiến họ có cái nhìn đáng lo ngại về tương lai và có xu hướng không muốn sinh con.
Xu hướng này nổi lên từ vài năm trước, thậm chí từ trước khi có Covid-19 nhưng đại dịch đã khiến tình hình tồi tệ hơn khi bất ổn kinh tế kéo dài, tình trạng phong toả trên diện rộng. Tỷ lệ sinh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức thấp kỷ lục vào năm ngoái khi lần đầu tiên số ca tử vong vượt quá số ca sinh ở nước này sau hơn sáu thập kỷ.
Yang Xiaotong, 26 tuổi, làm nghề tự do ở Thâm Quyến, cho biết: “Chúng tôi nghĩ mình đang ý thức hơn về bản thân, trong khi bố mẹ lại nghĩ chúng tôi trở nên ích kỷ hơn”.
Giống như Zhang Chengying, Yang Xiaotong cũng không sẵn sàng từ bỏ cuộc sống và tự do của mình vì con cái. Vừa mới kết hôn tháng Tư nhưng Yang Xiaotong và chồng lựa chọn cuộc sống chỉ có hai người và suy nghĩ này đã nhen nhóm sau 3 năm trải qua đại dịch.
“Chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Tôi muốn ngắm nhìn thế giới hơn là quanh quẩn trong căn hộ 80 mét vuông với nỗi lo sữa bỉm”, Yang Xiaotong nói.
Đối mặt với quá nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, Yang Xiaotong cùng một số người bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại khi họ có thể đi du lịch bất cứ lúc nào và tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống. Không chỉ từ chối sinh con, nhiều người bạn của cô còn không có ý định kết hôn.
Áp lực dân số giảm
Ông Ren Yuan, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số tại Đại học Phúc Đán nhận định: “Với tỷ lệ kết hôn giảm và tỷ lệ người chưa bao giờ kết hôn ngày càng tăng, Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục phải chứng kiến tỷ lệ sinh duy trì ở mức thấp trong những thập kỷ tới”.
Theo Cục Thống kê quốc gia, tổng dân số của Trung Quốc năm 2022 đã giảm 850.000 người so với năm 2021, đánh dấu lần giảm dân số đầu tiên sau 61 năm. Tỷ suất sinh của những người sinh con đầu lòng cũng giảm đáng kể.
“Mối quan tâm lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay là tỷ lệ sinh thấp của các gia đình một con”, ông Chen Weimin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Nam Khai cho biết, đồng thời chỉ ra chi phí sinh con ngày càng tăng – cùng với tình trạng thất nghiệp gia tăng chóng mặt, triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến tình hình ngày càng căng thẳng.
Còn với Qu Yun, một y tá 24 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, lý do khiến cô không muốn có con là vì thiếu tiền và thời gian. “Tôi phải làm việc hơn 12 tiếng một ngày, thậm chí không có thời gian ăn trưa, huống hồ là chăm sóc cho một đứa trẻ”.
Mặc dù ngày càng có nhiều chính quyền địa phương và các công ty đề xuất các mức trợ cấp để khuyến khích sinh con, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Ngay cả Zhang Chengying, dù đang có công việc được trả lương tương đối cao nhưng cô vẫn lo lắng về khả năng tài chính khi không thể chu cấp đầy đủ cho con cái. “Chi phí giáo dục quá cao và tôi không muốn sinh con trong một môi trường mệt mỏi như vậy”, Zhang lý giải.
Giáo sư Chen Weimin cho rằng, trước tình trạng "sợ có con" đang có xu hướng gia tăng và được lan truyền khá phổ biến qua mạng xã hội, đã đến lúc Trung Quốc cần có những chính sách tạo nền tảng xã hội thuận lợi hơn, hướng tới mục tiêu "thiết lập một xã hội thân thiện với trẻ em".
Theo baoquocte