Tờ Malay Mail đưa tin chiến dịch diễn ra đồng loạt trong ngày 11.9, trong đó cảnh sát Malaysia áp vào 20 cơ sở từ thiện, bảo trợ xã hội tại hai bang Selangor và Negeri Sembilan.
Tại đó, cảnh sát giải cứu 402 trẻ em và thiếu niên, gồm 201 trai và 201 gái, tuổi từ 1 đến 17, và bắt giữ 171 người. Các nạn nhân bị bạo hành trong thời gian ở trong các cơ sở này.
Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Razarudin Husain cho biết một số em bị ép tấn công tình dục các em khác. Số khác thì bị đánh đập và lạm dụng tình dục. Một số em mới chỉ 5 tuổi bị phạt bằng cách lấy vật thể như muỗng ăn được nung nóng áp vào người, gây bỏng. Một số bị xâm hại tình dục nhưng kẻ xâm hại nói các em đang được điều trị y tế theo giáo lý của đạo.
Các em ngủ chung trong những căn phòng chật chội nhiều giường. Một số phải ngủ dưới nền nhà chỉ có tấm trải mỏng và mền gối bẩn. Nhiều trẻ bị bệnh nhưng không được điều trị y tế.
Tất cả các cơ sở trên do công ty Global Ikhwan Services and Business (GISB) quản lý. Website của công ty cho biết GISB là công ty Malaysia liên quan hoạt động từ siêu thị, giặt ủi, có cơ sở tại nhiều nước.
Trong một tuyên bố, GISB bác bỏ cáo buộc xâm hại tình dục và nói không quản lý cơ sở từ thiện nào. "Việc lên kế hoạch và thực hiện các hành động chống lại luật Hồi giáo và luật quốc gia không có trong chính sách của chúng tôi", GISB tuyên bố và nói sẽ đề nghị cảnh sát điều tra.
Ông Razarudin nói rằng các cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát cho thấy những đứa trẻ được cứu là con của các nhân viên người Malaysia của GISB. Chúng được đưa đến các cơ sở trên sau khi chào đời. Các nạn nhân bị những người giám hộ xâm hại và bị ép phải xâm hại các trẻ em khác ở chung.
"Trẻ em và tình cảm tôn giáo bị lợi dụng để lấy được sự thương cảm của xã hội và gây quỹ cho tổ chức. Điều chúng ta đã thấy là sự đầu độc trẻ em bằng các công cụ tôn giáo theo cách độc hại", chánh thanh tra cảnh sát nói.
Theo Reuters, GISB được cho là liên quan giáo phái Al-Arqam đã bị giải thể và bị chính phủ Malaysia cấm vào năm 1994. GISB thừa nhận do ông Ashaari Mohamad lãnh đạo Al-Arqam thành lập. Tuy nhiên, công ty đã trải qua nhiều lần thay đổi thương hiệu từ khi ông Ashaari chết vào năm 2010.
Sáng 12.9, một người phụ nữ 19 tuổi bị bắt trong chiến dịch đã được đưa ra tòa và bị truy tố tội lạm dụng trẻ em và thiếu trách nhiệm. Cáo buộc có thể bị tuyên án tối đa 20 năm tù và 50.000 ringgit (282 triệu đồng) tiền phạt.
Theo Thanh niên