Không nhiều tiền thì không thể có thêm vợ

Luật Hồi giáo Malaysia cho phép đàn ông được lấy tối đa 4 vợ. Sau lần kết hôn đầu tiên, đàn ông muốn lấy thêm vợ cần được tòa án Hồi giáo từng bang phê chuẩn. Đàn ông được lấy nhiều vợ nhưng phải chứng minh có đủ tài chính để lo cho các bà vợ và con cái.

leftcenterrightdel
 Tòa án hồi giáo Malaysia từ chối đơn xin cưới thêm vợ của nhiều ông chồng vì lo ngại họ không thể hỗ trợ tài chính cho nhiều vợ - Ảnh: Kevin Lim
Theo dữ liệu từ Cục Tư pháp Syariah do Bộ Tôn giáo Malaysia cung cấp, gần đây, các cuộc hôn nhân đa thê ở nước này giảm mạnh do ngày càng nhiều đàn ông không thể chứng minh được tài sản, kinh tế của mình. Chế độ đa thê hợp pháp ở Malaysia đã giảm gần 47% trong 5 năm qua. Hơn 1/3 số đơn xin kết hôn sau lần đầu tiên bị Tòa án Syariah từ chối, do nhiều đàn ông không có khả năng nuôi thêm vợ.

Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Malaysia, ông Mohd Na'im Mokhtar, cho biết sự sụp đổ của các cuộc hôn nhân đa thê phần lớn là do Tòa án Syariah lo ngại các ông chồng sẽ không thể hỗ trợ tài chính cho nhiều vợ hoặc không thể đối xử bình đẳng với tất cả các vợ.

“Thu nhập của nam giới giảm do nền kinh tế Malaysia suy thoái vì đại dịch cũng là một trong những yếu tố có thể dẫn đến sự suy giảm các cuộc hôn nhân đa thê” - ông cho biết.

Tranh cãi không ngừng

Trên thực tế, hậu quả của đại dịch COVID-19 (2020 đến 2022) đã khiến khoảng 20% nhóm thu nhập trung bình của Malaysia rơi vào nhóm thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn có người có đủ khả năng để theo đuổi chế độ đa thê.

leftcenterrightdel
 Việc ca sĩ Azline giúp chồng tìm vợ thứ 2 trẻ hơn để cô có thể tập trung vào sự nghiệp đã gây tranh cãi trong thời gian dài

Ca sĩ người Malaysia Azline Ariffin (42 tuổi) vừa cho biết cô đã tìm vợ thứ 2 cho chồng để có thể tập trung vào sự nghiệp. Chồng cô, ông Wan Mohd Hafizam (47 tuổi) kết hôn với người vợ thứ 2 là một bác sĩ 26 tuổi.

“Tôi là người bận rộn, việc đi xa khiến tôi cảm thấy khó chịu, bồn chồn. Ít nhất thì cũng có người lo mọi việc và tôi có thể tập trung vào công việc của mình” - cô Azline cho biết.

"Tại Malaysia, quyết định phê chuẩn chế độ đa thê của Tòa án Syariah phụ thuộc vào các yếu tố như thu nhập của người chồng, các cam kết tài chính như trả tiền cấp dưỡng và các khoản nợ, cũng như mong muốn của người vợ đầu tiên về vấn đề này" - tiến sĩ Na'im nói.

Syafiqah Fikri, nhân viên pháp lý của nhóm vận động phụ nữ Malaysia, Sisters in Islam (SIS), cho biết việc phụ nữ Malaysia ở độ tuổi 30 không chấp nhận chế độ đa thê có thể góp phần làm giảm số lượng cuộc hôn nhân đa thê. Theo bà, phụ nữ ngày càng được được giáo dục nhiều hơn và tự chủ về kinh tế hơn cũng dẫn đến số vụ ly hôn ngày càng tăng ở người Hồi giáo.

“2/3 số phụ nữ mà chúng tôi khảo sát cho biết, họ cảm thấy việc người vợ yêu cầu ly hôn là điều bình thường nếu chồng cô ấy cưới người khác”.

Theo Cục Thống kê Malaysia, tỉ lệ ly hôn của người Hồi giáo Malaysia đã tăng hơn 45%, từ mức 31.650 vào năm 2021 lên 46.138 vào năm 2022.

Dữ liệu từ Ủy ban Phát triển gia đình và Dân số quốc gia Malaysia hồi tháng 11/2023 chỉ ra rằng, sự thiếu hiểu biết, không chung thủy và vô trách nhiệm của người chồng là 3 nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ly hôn ở nước này.

Mặc dù chế độ đa thê là hợp pháp ở Malaysia nhưng việc thực hiện chế độ này vẫn là vấn đề gây tranh cãi đối với người Hồi giáo (chiếm khoảng 2/3 trong tổng số 33,9 triệu dân số).

Hồi tháng 11/2023, lãnh đạo đảng Hồi giáo đối lập Parti Se-Islam, ông Tuan Ibrahim Tuan Man, phát biểu trước Quốc hội rằng hôn nhân đa thê giúp giải quyết vấn đề kết hôn muộn ở phụ nữ. Ông đồng thời cho biết cả nước có hơn 8,4 triệu phụ nữ độc thân. Phát biểu của ông đã gây ra cuộc phản ứng dữ dội từ các phụ nữ trí thức, độc thân.

Theo phụ nữ TPHCM