Chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, Trung Quốc chính thức mở du lịch với Việt Nam kỳ vọng tạo bước đột phá mới cho ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì khách quốc tế ảm đạm.

'Mỏ vàng' Trung Quốc đã mở, du lịch Việt Nam có 'đào' được ngay? - Ảnh 1.

Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, bắt đầu từ 15.3.2023

THẾ QUANG

Thị trường mênh mông, thỏa sức khai thác

Ngay trong đêm 8.3, chỉ vài giờ sau khi Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông báo về việc chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ngành du lịch đã lập tức chia sẻ thông tin này.

"Đây là tin vui đối với ngành du lịch nước ta. Không chỉ với Việt Nam mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách không thể thay thế. Trước đó, một số doanh nghiệp, chuyên gia phía Trung Quốc đã dự báo điều này nhưng phải đến khi có thông tin chính thức từ các cấp thẩm quyền, chúng ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm" - TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) nói với Thanh Niên sáng 9.3.

Theo ông Nam, thị trường khách Trung Quốc khai thác tương đối dễ bởi đối tượng khách truyền thống thường là người dân đến từ các thành phố lớn, các địa phương không có duyên hải, không có biển. Nhu cầu du lịch biển Việt Nam có sẵn và chỉ chờ được mở bung. Bên cạnh đó, bản chất thị trường Trung Quốc là các đơn vị lữ hành, công ty du lịch Trung Quốc nắm đầu kiểm soát. Họ phát động thị trường, nắm nguồn khách nên khi khởi động lại sẽ làm tương đối nhanh. Chỉ cần các doanh nghiệp hàng không, du lịch của Việt Nam chủ động liên hệ với các đối tác Trung Quốc, bắt tay ngay vào tung sản phẩm, xây dựng giá cả hợp lý, tiếp thị thị trường thì thời gian trở lại sẽ không lâu như các thị trường xa ở châu Âu, Bắc Mỹ...

"Trước đại dịch, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ thị trường này cũng chiếm tương ứng khoảng 1/3 tổng doanh thu từ thị trường quốc tế. Khi đó, Trung Quốc mở cửa cho cả thế giới và Việt Nam đón được 5,6 triệu lượt khách. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế, nếu tính thị trường Trung Quốc tiếp tục chiếm khoảng 1/3 như trước dịch thì sẽ mong đón gần 3 triệu khách Trung Quốc. Giả sử sau đợt mở thứ 2 này, danh sách Trung Quốc cho phép mở tour tăng lên 21 - 22 nước thì rõ ràng thị trường vẫn còn rất mênh mông. "Mỏ" quá lớn, vấn đề là sức đào của ta đến đâu thôi" - TS Lương Hoài Nam nhận định.

Phân tích cụ thể về "sức đào", Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ lưu ý chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mở tour, tức là tập trung vào khách đi theo đoàn, không phải mở hoàn toàn du lịch. Do đó, về nguồn khách, hầu hết là các công ty du lịch tại nước sở tại đưa tới bằng các chuyến charter. Khách đi theo dạng charter sẽ "bật dậy" nhanh hơn, sớm hơn đối tượng khách đi theo các chuyến bay thương mại. Vấn đề của Việt Nam là phải chuẩn bị các công ty đủ năng lực để tiếp nhận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách. Nếu không xác định rõ ràng thị phần, cứ nghĩ Trung Quốc mở cửa là tất cả mọi đơn vị ào ào "nhảy vào" khai thác sẽ dẫn đến lộn xộn thị trường.

"Khách đi charter thì không gặp nhiều rào cản thủ tục nhưng đòi hỏi năng lực tiếp nhận của các đơn vị nước sở tại. Điểm đến tiếp nhận, đối tác tiếp nhận, từ điều phối tại các sân bay đến hệ thống xuất nhập cảnh, y tế dự phòng, hệ thống khách sạn, nhà hàng... mọi thứ cần định hướng trước để các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị, tránh giẫm đạp lên nhau hoặc biến tướng thành "tour 0 đồng". Điều này Thái Lan đã làm rất tốt, chúng ta có thể nhìn sang họ, học tập để tổ chức lại hệ thống đón khách đoàn Trung Quốc bên mình" - ông Kỳ nhận định.

'Mỏ vàng' Trung Quốc đã mở, du lịch Việt Nam có 'đào' được ngay? - Ảnh 2.

Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (thời điểm trước dịch Covid-19)

LÃ NGHĨA HIẾU

Khó đón khách ồ ạt

Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, người Trung Quốc vẫn rất thích du lịch Việt Nam, song, ông Nguyễn Quốc Kỳ dự báo triển khai nhanh nhất cũng phải mất từ 45 - 60 ngày để Việt Nam thật sự khai thác trở lại được thị trường này. Theo ông Kỳ, Việt Nam khó đón dòng khách ồ ạt như Thái Lan và Malaysia hồi đầu năm bởi khi đó Trung Quốc mới mở cửa, độ nén nhu cầu du lịch rất lớn và họ đã "bung" hết về các nước mở trước. Việt Nam đạt được thỏa thuận với thị trường này hơi chậm nên đã bỏ lỡ cơ hội "vớt" lượng khách lớn ngay lập tức như Thái Lan, Malaysia.

Giai đoạn 1.5, Trung Quốc nghỉ lễ Quốc tế lao động khá dài nên các công ty du lịch kỳ vọng mùa lễ này kéo dài đến cao điểm hè, Việt Nam sẽ chính thức khai thác ổn định thị trường khách Trung Quốc.

Cùng nhận định, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang thông tin, mặc dù các đối tác từ phía Trung Quốc của ông đã chuẩn bị từ rất sớm, song, công tác xúc tiến thị trường Việt Nam đến nay vẫn khá chậm. Nguyên nhân đầu tiên do sau 3 năm đóng cửa vì dịch bệnh, một số doanh nghiệp du lịch đã chuyển ngành, thậm chí đóng cửa. Để các doanh nghiệp lữ hành, inbound, outbound Trung Quốc vực dậy, chuẩn bị nhân lực, vật lực thì cũng cần thời gian.

Bên cạnh đó, chủ trương mở cửa tuy đã được Chính phủ hai nước thống nhất nhưng những điều kiện kỹ thuật như thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục visa cho khách lẻ, khách nhóm không thông qua công ty du lịch đến nay vẫn chưa có. Lịch khai thác của các hãng hàng không trong nước cũng chưa điều chỉnh. "Vì vậy, 15.3 các tour từ Trung Quốc đến Việt Nam chính thức khởi động thì phải đến mùa hè, thị trường này mới có thể bùng nổ" - ông Từ Quý Thành dự báo.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam thông tin các hãng hàng không trong nước phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5 để chờ các quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.

Trao đổi với Thanh Niên sáng 9.3, đại diện hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết hãng cũng mới nhận thông tin về cuộc gặp giữa Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo Bộ VH-TT-DL. Chắc chắn phương án khai thác sẽ có sự thay đổi nhưng thị trường Trung Quốc có đặc thù, không phải đơn giản cứ mở cửa là sẽ bay ngay được. Cơ quan đại diện của Vietnam Airlines tại Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, trong hôm nay Ban Giám đốc hãng bay sẽ họp bàn, nghiên cứu phương án triển khai các đường bay đến Trung Quốc trong thời gian sớm nhất có thể.

 Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch"

Là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, thế nhưng VN lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực?

Theo trang VisaGuide.World công bố cuối năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của VN hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 - 31%. Nguyên nhân quan trọng là do lượng khách quốc tế, đối tượng khách đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch VN chưa đạt được kỳ vọng. Minh chứng là trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến VN chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch.

Năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu khách. Năm 2023, VN lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, song con số này đang gặp thách thức rất lớn khi Trung Quốc đưa VN vào danh sách quốc gia cấp visa theo đoàn muộn hơn so với dự kiến. Một trong những nguyên nhân khiến VN mở cửa sớm nhưng khách quốc tế lại ít đến hơn các nước láng giềng là các vấn đề liên quan đến thị thực (visa).

Để vực dậy các DN du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ đang hết sức khó khăn; để phục hồi du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" vào lúc 8 giờ 30 ngày 10.3 với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các chuyên gia, DN hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không tại VN. Mục tiêu của hội thảo là đưa ra các giải pháp, đề xuất để thu hút khách quốc tế, từ đó phục hồi du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo Thanh niên