Đồng yen giảm xuống mức “đáy” 24 năm so với đồng USD. (Nguồn: Twitter)
Chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá hơn 490 tỷ USD. (Nguồn: Twitter)

Trong gói kích thích kinh tế trên, tổng chi tiêu công, bao gồm đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của các chính quyền địa phương, lên tới 39.000 tỷ Yen. Phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân.

Cụ thể, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ hỗ trợ 7 Yen/kWh điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 yen/kWh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 30 Yen/m3 khí đốt tiêu thụ.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng, bình quân một hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 Yen tiền điện và khoảng 900 Yen tiền khí đốt.

Mặt khác, chính phủ sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn nhiên liệu nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước sang năm 2023. Tuy nhiên, mức trợ cấp sẽ giảm từ tháng 6/2023.

Ngoài ra, quốc gia này đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và hiện thực hóa chính sách tái phân phối của cải của Thủ tướng Kishida.

Các biện pháp quan trọng khác của gói kích thích kinh tế này gồm: trợ cấp 100.000 Yen/người cho các phụ nữ đang mang thai; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ngũ cốc, phân bón và thức ăn gia súc để tăng sản lượng trong bối cảnh nguồn cung các mặt hàng này đang trở nên khan hiếm do xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Chính phủ Nhật Bản ước tính, gói kích thích kinh tế mới có thể giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này thêm 4,6%.

Để tài trợ cho gói kích thích trên, Tokyo dự kiến sẽ đệ trình dự thảo ngân sách bổ sung có tổng trị giá 29.100 tỷ Yen (gần 200 tỷ USD) lên Quốc hội để xem xét và thông qua trong kỳ họp bất thường hiện nay. Đây là dự thảo ngân sách bổ sung thứ 2 được xây dựng trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023).

Theo TTXVN